Tìm giải pháp tăng xuất khẩu nước mắm Việt

Bộ NN-PTNT cho rằng, tiềm năng sản xuất, xuất khẩu nước mắm Việt Nam là rất lớn và đề nghị hình thành các đội tàu chuyên khai thác cá để làm nước mắm, đa dạng sản phẩm để phục vụ nhiều thị trường với nhiều thị hiếu.
Sản xuất nước mắm Phú Quốc xuất khẩu tại một cơ sở ở ĐBSCL. Ảnh: QUỐC BÌNH
Sản xuất nước mắm Phú Quốc xuất khẩu tại một cơ sở ở ĐBSCL. Ảnh: QUỐC BÌNH

Tiềm năng lớn

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình đạt gần 380 triệu lít/năm. Sản lượng cao nhất là ở miền Trung với hơn 180 triệu lít/năm, miền Nam với hơn 120 triệu lít/năm và miền Bắc hơn 80 triệu lít/năm. Hiện nay, nước mắm không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, mà còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, mở thêm cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và chính bà con nông dân, ngư dân. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, nhiều thương hiệu nước mắm của Việt Nam không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được các đầu bếp thế giới ngày càng ưa dùng để pha chế thành các loại nước chấm hoặc làm gia vị cho các món ăn. “Đến nay, ngoài phương pháp sản xuất truyền thống từ ông cha để lại và mang đặc trưng của các vùng miền, các phương pháp sản xuất cải tiến, ứng dụng công nghệ cũng được phát triển mạnh mẽ, song hành. Sản phẩm nước mắm đã trở nên phong phú, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá.

Đến nay, Bộ NN-PTNT đã cấp phép cho 17 cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm được xuất khẩu đi các thị trường. Tuy nhiên, lượng nước mắm của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ chiếm 12,6% so với tổng sản lượng là còn quá ít. “Việt Nam với tiềm năng khai thác và nuôi biển, vẫn còn rất nhiều dư địa để đưa mặt hàng này ra thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, về thị trường xuất khẩu, hiện chiếm thị phần nhiều nhất vẫn là châu Á với hơn 54%. “Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng lên nhưng tại châu Âu, châu Mỹ, khách hàng của nước mắm Việt Nam vẫn chủ yếu là người Việt ở nước ngoài, còn người nước ngoài chưa nhiều”, ông Lê Thanh Hòa nói.

Tìm giải pháp tăng xuất khẩu nước mắm Việt ảnh 1 Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống
Còn theo TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và GS-TS Lưu Duẩn, Trưởng Ban Tư vấn - Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, khách hàng nước ngoài vốn quen các món ăn nhạt, không chỉ dị ứng với mùi nước mắm khá nặng mà còn đề nghị giảm bớt độ mặn, độ đạm của nước mắm để phù hợp với khẩu vị đa dạng của người tiêu dùng.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Ba Làng (một làng làm mắm nổi tiếng ở Thanh Hóa) cho biết, để giảm độ mặn và mùi của nước mắm không có gì khó, chỉ cần chượp ủ lâu ngày là được. Thông thường mỗi mẻ nước mắm phải ủ, chượp khoảng 18-24 tháng, thậm chí nếu là cá nục thì phải qua 4-5 năm. Kinh nghiệm thực tế xưa nay của cha ông cho thấy, càng ủ lâu thì mắm càng ngon, bớt mùi và bớt mặn đi. Nước mắm bán trên thị trường sở dĩ nặng mùi và mặn là do quy trình làm quá ngắn, vội vàng đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên mắm càng ủ lâu thì giá thành lại càng cao, cần phải đầu tư nhiều hơn.

Theo ông Trần Đáng, hiện Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 610 của Bộ Nội vụ, với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sẽ hỗ trợ các hội viên đẩy mạnh quảng bá, bảo vệ thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, xuất khẩu của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiệp hội đã kết nối các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học để có những đề tài, dự án ứng dụng cao, giúp các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gia tăng hiệu suất thu hồi đạm, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Hiệp hội Nước mắm Việt Nam muốn phát triển ngành hàng nước mắm của chúng ta giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Ở đó, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và truyền thống, giữa tinh hoa lâu đời và thước đo công nghệ chính xác để cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon, có chất lượng đồng nhất và phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng ở nhiều thị trường”, ông Trần Đáng nói.

Còn theo GS-TS Lưu Duẩn, để đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm thì các doanh nghiệp, hộ gia đình cần đầu tư kinh phí nhiều hơn để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000… đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu, Australia... Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm, từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam.

Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, mỗi năm hòn đảo này sản xuất khoảng 25-30 triệu lít nước mắm, có khoảng 5% trong số đó, tương đương khoảng 1,4 triệu lít, được xuất khẩu đi 37 thị trường khác nhau trên thế giới. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, thông tin thêm, hiện hội có 53 hội viên, với khoảng 56 nhà thùng làm nước mắm theo phương pháp truyền thống, không thay đổi trong suốt hàng trăm năm qua. 

Nước mắm Phú Quốc phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay; đặc biệt là năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp, các bộ ngành chức năng cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1-6-2001, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam. Tháng 7-2013, Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam. Tháng 8-2013, Bộ Công thương đã trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc.

QUỐC BÌNH

Tin cùng chuyên mục