Tìm giải pháp phát triển vùng du lịch trọng điểm Đông Nam bộ

Sáng 22-12, tại khách sạn Angsana – Dhawa (khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã diễn ra Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ với sự tham dự của đại diện các Sở VH-TT-DL, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đến từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ diễn ra tại khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ diễn ra tại khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo đánh giá, vùng Đông Nam bộ là nơi có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng hệ thống sông, hồ và hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề lâu đời để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch biển.

Thống kê cho thấy, năm 2023, vùng Đông Nam bộ ước đón và phục vụ hơn 65,3 triệu lượt khách, tăng 18,55% và doanh thu cũng ước đạt 180.566 tỷ đồng, tăng 22,13% so với năm 2022. Lượng khách du lịch vùng Đông Nam bộ chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước và chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch quốc gia năm 2023.

z4998403782069-726a123cbdc18ba743bc2af85f67dbe8-857.jpg
Vùng Đông Nam bộ hội tụ "rừng vàng, biển bạc" để phát triển du lịch

Tuy nhiên, mặc dù khách đông nhưng doanh thu du lịch của vùng còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Đây là một bài toán mà vùng cần tập trung giải quyết nhằm tăng doanh thu của ngành thông qua việc đa dạng các sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Về công tác liên kết, trong năm, bằng nhiều nỗ lực, các tỉnh, thành phố trong vùng đã chú trọng để phát triển các sản phẩm du lịch mới. Trong đó, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai thực hiện khảo sát để hình thành tuyến du lịch đường thủy liên tuyến TPHCM - Bình Dương, TPHCM - Đồng Nai.

Kết nối trong các tour, tuyến du lịch trong vùng như: Làng Sơn Mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), trang trại ứng dụng công nghệ cao (Phú Giáo – Bình Dương), các sản phẩm du lịch trong thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên (Đồng Nai); bãi biển nhân tạo trong khu Du lịch suối Mơ (Đồng Nai), khách sạn 3 sao Bcon (Đồng Nai); khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Ixora Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu); Resort 5 sao Angsana - Dhawa Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu).

z4998403798535-5da1764cb219a2fbabf153f7a3d7cc01-179.jpg
Tiếp tục phát triển du lịch biển trong vùng Đông Nam bộ

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến về phát triển các sản phẩm du lịch xanh, hấp dẫn nhằm giữ chân du khách.

Theo ông Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, vùng Đông Nam bộ là vùng du lịch trọng điểm của cả nước, trong đó TPHCM đóng vai trò đầu tàu. Do đó, đây không chỉ là một điểm đến với cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đầu tư bài bản, hấp dẫn khách du lịch mà còn là nơi trung chuyển khách quốc tế. Trong thời gian tới, du lịch vùng Đông Nam bộ và TPHCM cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phải tăng cường liên kết để không chỉ thu hút khách đến với vùng mà còn đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.

Tin cùng chuyên mục