Tìm giải pháp phát triển sàn thương mại điện tử Việt

Chứng kiến một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài chưa được cấp phép nhưng hoạt động rầm rộ tại Việt Nam, dư luận đang quan tâm vấn đề: làm thế nào giúp TMĐT trong nước phát triển để cạnh tranh ngay tại sân nhà và đưa hàng Việt ra thế giới?

Tiểu thương chợ Bến Thành (TPHCM) được TikTok hỗ trợ livestream bán hàng trên mạng. Ảnh: GIA HÂN
Tiểu thương chợ Bến Thành (TPHCM) được TikTok hỗ trợ livestream bán hàng trên mạng. Ảnh: GIA HÂN

Chỉ có sàn giao dịch hàng hóa vận hành hiệu quả

Việt Nam hiện có sàn giao dịch hàng hóa (mxv.com.vn) tập trung cấp quốc gia duy nhất, do Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổ chức, còn hoạt động hiệu quả, sau 14 năm ra đời. Tính trong 8 tháng đầu năm 2024, MXV có tổng số tài khoản trên thị trường gần 35.000, với trung bình mỗi ngày giao dịch hơn 5.000 tỷ đồng, có ngày đột biến gần 11.000 tỷ đồng.

Mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu trên MXV, nhưng còn có nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, giao dịch sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công thương cho phép thí điểm trên MXV từ tháng 5-2020 đến tháng 5-2024, nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia do chính sách chưa ổn định; chưa có chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu...

Ý tưởng hình thành sàn giao dịch thịt heo cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đánh giá, muốn giao dịch heo trên sàn, phải có các tiêu chuẩn cụ thể, người dân cần liên kết với doanh nghiệp thu mua, mã hóa sản phẩm đưa thông tin lên mạng…

Nhiều sàn giao dịch về tiêu, cà phê, trái cây… cũng triển khai chậm chạp. Thực tế, hàng hóa muốn giao dịch trên sàn hiệu quả, chất lượng, phải làm tốt khâu vận chuyển, kho bãi, nhưng khâu này hiện khá yếu.

Quyết tâm thôi, chưa đủ!

Có thể nói, việc hình thành sàn TMĐT Việt Nam được các cơ quan chức năng quyết tâm, lên kế hoạch khá sớm. Theo đó, năm 2021, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, trong đó bao gồm phát triển TMĐT. Bộ Công thương cũng vừa tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Chiến lược Phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời cho biết tiếp tục rà soát pháp luật về TMĐT, bổ sung quy định cụ thể về hoạt động TMĐT qua biên giới - đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát; hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ TMĐT…

Bà Trần Thị Bảo Thu, Chủ thương hiệu Moon Corner, chia sẻ, Temu, Shein, 1688, Taobao… đã âm thầm xuất hiện trên thị trường từ lâu và giờ mới bung hàng, tung chiến dịch khuyến mãi. Trong đó Temu đẩy mạnh hoạt động tiếp thị liên kết, khi người này giới thiệu link cho người khác để nhận hoa hồng…

“Cạnh tranh về giá, doanh nghiệp trong nước không chịu nổi do thiếu vốn. Muốn các sàn phát triển được, nên có sự đầu tư đồng bộ, trường vốn, tính toán con đường riêng để chinh phục khách hàng”, bà Trần Thị Bảo Thu nói.

Cùng quan điểm, ông Ngô Anh Duy, giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung ứng hàng tiêu dùng tại quận Tân Phú, TPHCM, cho biết, với một số sàn TMĐT đang hoạt động, doanh nghiệp Việt có thể làm đối tác kinh doanh, trả phí để quảng bá thương hiệu và bán hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chỉ phụ thuộc sàn TMĐT nước ngoài, chắc chắn doanh nghiệp, hàng hóa trong nước bị o ép, khó phát triển.

CN1k.jpg
Cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy tại chợ Tân Thành (TPHCM) chuẩn bị hàng giao cho khách đặt mua trên mạng xã hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chia sẻ với PV Báo SGGP chiều 26-10, TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, nhìn nhận, để phát triển các sàn TMĐT “Made in Vietnam” có năng lực cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, nên có sự chung tay từ hai phía. Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, tối ưu hóa quy trình xử lý đơn hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến; tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước; hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến.

Nhà nước nên đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TMĐT, ưu đãi về vốn, miễn hoặc giảm thuế… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa đi đường dài. Những giải pháp toàn diện, đồng bộ như vậy có thể góp phần hình thành sàn TMĐT Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các sàn đa quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

Temu không nộp thuế sẽ bị thanh tra, xử lý

Chia sẻ với báo chí ngày 26-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam và nền tảng này cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

Tổng cục Thuế đang rà soát, yêu cầu nền tảng này kê khai nộp thuế và thu thập các dữ liệu thống kê. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ tổ chức thanh tra, xử lý.

Tin cùng chuyên mục