Tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ ra một số mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu như: Mô hình nuôi luân canh/xen canh trong ruộng lúa, áp dụng công nghệ nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm”, không sử dụng thuốc và hoá chất, ứng dụng công nghệ sinh học. Hay Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường”, giúp quản lý tốt môi trường nuôi cũng như chất thải...
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, diễn đàn là nơi kết nối nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Con tôm Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức vẫn có nhiều. Vì vậy, các nhà khoa học, đơn vị sở hữu công nghệ nuôi có thể ngồi với nhau để tích hợp thành một công nghệ hoàn chỉnh, mang tính lâu dài. Ngành hàng tôm là ngành hàng lớn, mọi người cần chung tay để phát triển bền vững.
Hiện Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư thế giới; các sản phẩm tôm xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40%-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.