Buổi tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu cùng thảo luận xoay quanh các nội dung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm gắn với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – giá trị, vai trò của lễ hội đối với đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng phật tử và nhân dân trong bối cảnh hiện nay; Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Kết nối các di sản – Gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng; Giải pháp nâng tầm các hoạt động văn hóa – nghệ thuật tạo điểm nhấn mới cho lễ hội; Giải pháp truyền thông, quảng bá lễ hội; Giải pháp về vấn đề xã hội hóa các hoạt động trong lễ hội; Giải pháp về vấn đề gìn giữ nếp sống văn hóa – văn minh trong lễ hội...
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những tham luận, cùng nhau chia sẻ, trao đổi, tiếp thu các ý kiến về những giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Từ đó, đưa ra những định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô cả về nội dung lẫn hình thức đã thu hút sự tham gia của hàng vạn người, cả cộng đồng Phật tử, nhân dân địa phương, cùng du khách trong và ngoài nước.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, các hoạt động của lễ hội đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, quảng bá được hình ảnh du lịch của TP Đà Nẵng và quần thể Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, cần phát huy hơn nữa những giá trị vốn có của lễ hội cũng như giá trị văn hoá tự nhiên Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong đời sống văn hoá địa phương.
Đồng thời, mở rộng không gian lễ hội gắn với thực hiện Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo - phục hồi Danh thắng Ngũ Hành Sơn; gắn kết hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội vào các tour du lịch để du khách trải nghiệm; tạo dựng thể thức lễ hội để huy động nguồn lực xã hội hoá dồi dào hơn cho các hoạt động; hoàn thiện sự phối hợp giữa các nhân tố lễ hội gồm Nhà nước, Giáo hội Phật giáo, cộng đồng đạo hữu và dân cư; đảm bảo nếp sống văn hoá văn minh trong hoạt động lễ hội và đa dạng hơn nữa các hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội.
Ngoài ra, cần cập nhật thêm các giá trị liên quan đến lễ hội từ trong giáo lý và liên hệ quốc tế đối với Đức Quán Thế Âm và Lễ hội vía Ngài.