Nâng cao tay nghề người lao động
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Vũ Thị Huỳnh Mai, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi trở về nước, nhiều người tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.
Tuy nhiên, công tác kết nối chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ công dân; công tác chuẩn bị thông tin về văn hóa, xã hội nước sở tại cho người chuẩn bị đi chưa đầy đủ.
Hội nghị nhằm thiết lập kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, nghiên cứu về tình trạng của người lao động và chuyên gia Việt Nam tại nước sở tại, những khó khăn và thách thức mà họ đang đối mặt cũng như cơ hội để cải thiện, nâng cao các chương trình và dự án liên quan đến xuất khẩu lao động...
Thảo luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết, hiện nay người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông làm công việc giản đơn, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.
Nhìn chung, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh.
Ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, chủ sử dụng rất thích sử dụng lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh.
Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do trình độ ngoại ngữ còn thấp so với yêu cầu, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, nhận thức về quan hệ chủ - thợ trong cơ chế thị trường chưa đầy đủ. Ngoài ra, một bộ phận người lao động không tuân thủ hợp đồng và các cam kết đã ký, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp... ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Vì vậy, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm và hướng tới các giải pháp quản lý và nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, TPHCM quan tâm tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, giám sát công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của doanh nghiệp đối với người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. TPHCM cũng chú trọng kết hợp doanh nghiệp với hệ thống trường nghề để tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế
Tại hội nghị, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến, hiến kế nâng cao chất lượng nguồn lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề; tăng hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, thời gian tới, TPHCM cần đẩy mạnh hợp tác với đối tác Hàn Quốc trong đổi mới chương trình giảng dạy, bổ sung trang thiết bị chuyên ngành phục vụ thực hành. Đồng thời, đưa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động, triển khai một số dự án thí điểm tại cơ sở đào tạo ngành nghề trọng điểm để nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Còn bà Lê Võ Phương Nga, ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp), cho rằng, chiến lược về công tác với chuyên gia tu nghiệp và lao động Việt Nam phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố, địa phương. Nếu thực hiện được những chiến lược cụ thể thì chuyên gia, tu nghiệp lao động tại nước ngoài sẽ mang lại đòn bẩy quyết định cho sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm quốc tế.
Bà Daisy Nguyễn Lê Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc Việt cho biết, năm nay có đến 36% số ngành nghề của Úc thiếu lao động trình độ cao. Điều này khiến Chính phủ Úc phải tăng cường các giải pháp thu hút lao động có tay nghề từ nước ngoài, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó thiếu hụt lao động. Hồi tháng 7-2023, Úc đã quyết định tăng mức trần lương đối với lao động nhập cư do chủ doanh nghiệp bảo lãnh lên 70.000 đô-la Úc (gần 1,1 tỷ đồng).