Tìm giải pháp nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh

Ngày 10-12, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Hội thảo đã bàn luận các giải pháp để nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người dân làm giàu nhờ loại cây này.

bfchfxg.jpeg
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HỮU PHÚC

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, phân bố tại Kon Tum, Quảng Nam. Tu Mơ Rông hiện đã phát triển được 2.800ha sâm Ngọc Linh. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

tthg.jpeg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HỮU PHÚC

Hội thảo được nghe các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các hộ dân trình bày các tham luận phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh; giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh; cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhóm nghiên cứu Sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ký kết hợp tác với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm.

tthhnkhgj.jpeg
Ban tổ chức hội thảo trả lời câu hỏi của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: HỮU PHÚC

Ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam tại TPHCM giữa Công ty Cổ phần Vingin với nhóm nghiên cứu do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận (Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô) làm đại diện.

tttttthhb.jpeg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức phát biểu tham luận

Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.

sgdhftd.jpeg
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận trình bày tham luận. Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh, qua đó cùng xây dựng ngành sâm bền vững.

TTTTTBFJGHDBDV.jpeg
UBND huyện Tu Mơ Rông ký kết với nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tôn Đức Thắng về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác. Ảnh: HỮU PHÚC

3 nội dung ký kết tại hội thảo liên quan đến sâm Ngọc Linh, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm; giúp các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu sâu, toàn diện hơn với cây sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững; giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh.

tttt.jpeg
Nhóm nghiên cứu Sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ký kết hợp tác để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm. Ảnh: HỮU PHÚC

Tin cùng chuyên mục