Tìm giải pháp khôi phục việc làm toàn cầu

Tổ chức Lao động quốc tế công bố báo cáo mới nhất về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với giờ làm việc và thu nhập toàn cầu. Theo đó, có đến gần 50% của 3,3 tỷ người lao động toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai.

Ngày 25-5, Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 109 khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo tờ Financial Times, chương trình nghị sự dày đặc kéo dài 1 tuần của hội nghị này sẽ tập trung thảo luận các giải pháp trước mắt và lâu dài về giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo công ăn việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở khu vực Mỹ Latinh.

1,6 tỷ người mất kế sinh nhai

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo mới nhất về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với giờ làm việc và thu nhập toàn cầu. Theo đó, có đến gần 50% của 3,3 tỷ người lao động toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhà máy, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Hoạt động kinh tế đình trệ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các nước.

Tại Mỹ, quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19, gần như tất cả các ngành kinh doanh, đặc biệt là ngành nhà hàng và khách sạn, buộc phải cắt giảm lao động. Bộ Lao động Mỹ cho biết, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong 6 tuần tính đến cuối tháng 4 đã lên đến hơn 38 triệu đơn, vượt xa con số 665.000 đơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Tìm giải pháp khôi phục việc làm toàn cầu ảnh 1 Người dân New York xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Getty
Tại châu Âu, Covid-19 không chỉ khiến cho hệ thống y tế công cộng ở lục địa già quá tải mà còn gây ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp với quy mô khổng lồ.

Theo CNN, hãng tư vấn McKinsey cảnh báo, Covid-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh biến mất.

Hãng McKinsey đánh giá, người lao động như nhân viên thu ngân, công nhân xây dựng và nhân viên khách sạn có rủi ro mất việc cao nhất. Trong khi đó, tại châu Á, Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng đột biến gần 30% (trước khi đại dịch bùng phát tại Ấn Độ vào giữa tháng 3 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia Nam Á này ở dưới mức 7%).

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, Giám đốc Cục Các hoạt động ngành nghề của ILO, bà Alette van Leur, dự báo dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới trong một thời gian dài; đồng thời cảnh báo, lượng người thất nghiệp cuối năm sẽ cao hơn đáng kể so với với hiện tại khi 81% lực lượng lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc.

Tìm lối thoát 

ILO nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đang tác động nặng nề đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, gây hậu quả lớn đối với ngành sản xuất lẫn việc làm trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo đối với việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly hiện nay, theo đó người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.

Trước mắt, chính phủ các nước vẫn đang nỗ lực thúc đẩy nhiều biện pháp hỗ trợ cho người lao động mất việc làm và các công ty để họ không sa thải nhân viên, nhằm tăng khả năng hồi phục nền kinh tế.

Tại Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tung ra gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này với tổng giá trị 2.200 tỷ USD vào cuối tháng 3 vừa qua. Gói cứu trợ này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp, khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không.

Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng chi khoản tiền lớn để hỗ trợ người lao động và giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên trong thời gian áp dụng lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Các doanh nghiệp Pháp đã được chính phủ nước này hỗ trợ trả 84% tiền lương cho người lao động. Theo Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Penicaud, ngân sách nước này đang phải hoạt động hết công suất để ứng phó tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng.

Chính phủ Anh cũng quyết định chi trả 80% tiền lương cho người lao động với mức trần 2.500 bảng Anh (2.900 USD)/tháng trong ít nhất 3 tháng. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, biện pháp chưa từng có này sẽ giúp bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động kể cả khi chủ của họ không đủ khả năng để trả lương.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, giải pháp này không chỉ cứu trợ doanh nghiệp và người lao động một cách nhanh chóng mà còn có tác dụng giúp các công ty không phải mất thời gian tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới khi hoạt động bình thường trở lại.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 24-5, thế giới có tổng cộng 5.401.222 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, trong đó có 343.799 ca tử vong, 2.247.109 ca hồi phục, vẫn còn 53.562 ca nặng và nguy kịch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Nam Mỹ hiện là tâm chấn mới của đại dịch Covid-19, trong đó tình hình tại Brazil là đặc biệt đáng báo động. Chính phủ Brazil buộc phải gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này có tổng số ca mắc bệnh lên đến 347.398 người với 22.013 ca tử vong.


Tin cùng chuyên mục