Ngày càng nghiêm trọng
Theo tuyên bố ngày 1-3 của Điện Elysee, ông Macron đã bày tỏ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin về “sự quan ngại hết sức sâu sắc đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng”.
Tổng thống Pháp cũng cảnh báo về nguy cơ các nhóm khủng bố có thể mở rộng phạm vi hoạt động. Ông Macron đã nhấn mạnh yêu cầu về một “sự chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch”, đồng thời kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một lệnh ngừng bắn “lâu dài và có thể xác nhận” được đề ra trong thỏa thuận trên.
Cũng theo Reuters, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về tất cả các khía cạnh của cuộc xung đột Syria tại cuộc đàm phán ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm. Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đồng ý sắp xếp một cuộc họp để giải quyết căng thẳng ở tỉnh Idlib của Syria, sau vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chết trong một cuộc tấn công của lực lượng Chính phủ Syria.
Một tuyên bố của Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm của ông Putin với ông Macron không cho biết khi nào nhà lãnh đạo Nga và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau nhưng các quan chức của cả hai bên cho biết họ sẽ gặp nhau vào ngày 5 hoặc 6-3. Ông Putin cũng thảo luận về tình hình Idlib qua điện thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó thông báo nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý giảm căng thẳng ở tỉnh Idlib nhưng vẫn tiếp tục hoạt động quân sự tại đây. “Cả hai bên đều xác định mục tiêu giảm căng thẳng “trên thực địa”, trong khi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố”, theo AP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiết lộ ông đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin ngưng can thiệp vào chuyện ở Idlib và để Ankara giải quyết vụ việc này. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang cân nhắc các lựa chọn để hỗ trợ Ankara.
Nguy cơ leo thang chiến tranh
Các máy bay chiến đấu của Syria những ngày này tiếp tục không kích vào các trọng điểm là sào huyệt của các nhóm khủng bố lẫn các phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trận chiến đang diễn ra làm gia tăng khả năng lan rộng một cuộc chiến toàn diện với hàng triệu dân thường Syria bị mắc kẹt.
Trong những tuần gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng ngàn binh sĩ cũng như xe tăng và các thiết bị khác đến Idlib, Syria.
Tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ra tối hậu thư để Syria ngừng không kích Idlib vào ngày 29-2 hoặc đối mặt với “sự can thiệp” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Sputnik, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington và Ankara đang thảo luận về yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triển khai tạm thời các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ở biên giới với Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara cần các hệ thống tên lửa Patriot, kêu gọi Mỹ đưa hệ thống tên lửa tới biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria. Ông Cavusoglu cũng yêu cầu các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phòng không và tình báo liên quan đến các hành động quân sự đang diễn ra ở Idlib.
Hãng thông tấn chính thức của Syria Sana ngày 1-3 cho biết 2 trong số các máy bay chiến đấu của họ đã bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở phía Tây Bắc Syria. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã bắn hạ 2 máy bay SU-24 và phá hủy các hệ thống phòng không của Syria sau khi một trong những máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ. |