Theo Bộ NN-PTNT, hàng năm, nước ta sử dụng hơn 10 triệu tấn phân bón. Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng phân bón sản xuất khoảng 4,69 triệu tấn (tăng 11,7%). Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao là do nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó vận chuyển, hoạt động logistics bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Còn Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung khẳng định, giá phân bón tăng bất thường không phải do cung - cầu đứt gãy, vì hiện cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón, công suất gần 30 triệu tấn/năm (gấp 3 lần nhu cầu tiêu thụ). Trong 7 tháng qua, các nhà máy đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón (tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ) và các doanh nghiệp đã nhập về 3,1 triệu tấn (tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn cung phân bón cho sản xuất và phải đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều biện pháp khác nhau; tuyệt đối không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ. Để giảm giá thành đầu vào, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay nông dân với giá thấp nhấp. “Dừng xuất khẩu để ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra giải pháp.
Dự kiến, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét lại thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón; đồng thời giao Tổng cục Quản lý thị trường ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất - kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.