Dự báo ảm đạm
Các tính toán cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng tuyệt chủng của các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh do muỗi gây ra, nắng nóng gây chết người, tình trạng thiếu nước ngọt, giảm sản lượng mùa vụ. Chỉ trong năm ngoái, thế giới đã chứng kiến một loạt đợt lũ lụt, nắng nóng kéo dài và cháy rừng chưa từng có trước đây, xảy ra ở khắp 4 lục địa.

Đây là báo cáo thứ 6 của IPCC kể từ năm 1990, được chia thành 3 phần, mỗi phần có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học. Phần đầu tiên về khoa học tự nhiên dẫn số liệu từ năm 2021 cho thấy nhiệt độ Trái đất gần như chắc chắn sẽ tăng ở mức hơn 1,5oC trong vòng 1 thập kỷ tới. Hiện nhiệt độ ở bề mặt Trái đất đã tăng 1,1oC so với thế kỷ 19. Trong khi đó, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các bên cam kết giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng ở mức dưới 2oC, và mức lý tưởng nhất là 1,5oC. Do đó, báo cáo của IPCC lần này có thể khiến các nước phải tăng cường những mục tiêu tham vọng hơn. Báo cáo cũng tập trung vào việc tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động như thế nào, tạo ra những khoảng cách về bất bình đẳng ra sao giữa các khu vực cũng như giữa các quốc gia, nhấn mạnh đến “những điểm tới hạn” nguy hiểm của tình trạng biến đổi khí hậu.
Đầu tư cho tương lai bền vững
Theo Công ty Quản lý và tư vấn toàn cầu McKinsey & Company (Mỹ), để hiện thực hóa cam kết của các chính phủ và công ty là đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần đầu tư thêm 3,5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Số tiền đó tương đương với một nửa lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu, 1/4 tổng doanh thu từ thuế, hay 7% chi tiêu hộ gia đình vào năm 2020.
Ước tính, tác động của quá trình chuyển đổi đối với nhu cầu, sự phân bổ vốn, chi phí và việc làm giữa các lĩnh vực tại 69 quốc gia chiếm khoảng 85% lượng khí thải toàn cầu. Theo Công ty McKinsey & Company, chi phí đầu tư cho tài sản hữu hình về năng lượng và hệ thống sử dụng đất trong quá trình chuyển đổi sẽ lên tới khoảng 275 ngàn tỷ USD, tương đương với trung bình 9,2 ngàn tỷ USD/năm - nhiều hơn 3,5 ngàn tỷ USD so với số tiền hàng năm hiện nay để chi cho những tài sản đó. Quá trình chuyển đổi để đạt phát thải ròng bằng 0 sẽ tác động đáng kể đến lao động, dẫn đến tăng khoảng 200 triệu việc làm trong khi làm mất khoảng 185 triệu việc làm khác trên toàn thế giới vào giữa thế kỷ này.
Theo Công ty Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ), tác động của biến đổi khí hậu có thể làm sụt giảm 11%-14% sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 so với kịch bản tăng trưởng không có biến đổi khí hậu, tương đương với thiệt hại lên tới 23 ngàn tỷ USD của kinh tế toàn cầu.