Ngày 20-5, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ LĐ-TB-XH và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022-2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Thời gian qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác cải thiện đời sống, trong đó có khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 2,75% (năm 2020, riêng tại khu vực Tây Nguyên giảm từ 17,14% xuống 5,93%).
Đến nay, Ngân hàng CSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt trên 2.335 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng...
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một trong "điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tại miền núi, tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay cũng đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả.
Các đại biểu cũng chia sẻ những nguyên nhân khiến hoạt động chính sách xã hội còn hạn chế như việc bố trí vốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế từng địa phương; địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nên mặt bằng dân trí không đồng đều; việc nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn…