Giải pháp ngoại giao
Hội nghị An ninh Munich - diễn đàn hàng đầu thế giới dành cho các tranh luận về chính sách an ninh quốc tế - năm nay chào đón trên 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, khoảng 100 bộ trưởng và quan chức cấp cao cùng rất nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và kinh tế. Các quan chức cấp cao nhất của các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hiệp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng tham dự hội nghị.
Theo ban tổ chức, chủ đề chính của MSC năm nay là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bảo vệ khí hậu, nền dân chủ, quy tắc về công nghệ, hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương..., đặc biệt là căng thẳng gia tăng ở Đông Âu và tình hình tại một số khu vực xung đột nóng trên thế giới.
Tương lai của EU cũng như những đóng góp của EU nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng sẽ được thảo luận trong ngày cuối của hội nghị. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề Ukraine, Nga và NATO sẽ là trọng tâm chính của hội nghị.
Ngoài sự tham gia đã được thông báo trước của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, tại hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tham dự nhằm phối hợp với các đồng minh và đối tác để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như tìm kiếm cách thức phản ứng thống nhất đối với Nga trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự ở Ukraine. Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Blinken sẽ có các cuộc gặp song phương nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác xuyên Đại Tây Dương.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngày 19-2, ngoại trưởng 7 nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) tiến hành cuộc gặp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tham dự MSC, trong khi lãnh đạo Nga thông báo không tham dự sự kiện này do liên quan tới các quy định phòng chống dịch, nhiều thành viên trong đoàn đã tiêm vaccine Covid-19 khác với loại được công nhận ở Đức.
Chưa yên tiếng súng
Trong ngày 19-2, phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine công bố báo cáo về tình hình ở khu vực miền Đông Ukraine. Theo đó, tại Donetsk, phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE ghi nhận 222 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có 135 vụ nổ, tăng đáng kể so với 189 vụ được thông báo trước đó. Có 648 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại Lugansk, trong đó có 519 vụ nổ, tăng mạnh từ mức 402 vụ ghi nhận trước đó.
Theo hãng tin TASS của Nga, cùng ngày, Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sẽ điện đàm trong ngày 20-2. Trước đó, ngày 12-2, hai nhà lãnh đạo này đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ, thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin khẳng định rằng những cáo buộc về việc Nga lên kế hoạch tấn công Ukraine là “sự suy đoán mang tính khiêu khích” và có thể dẫn đến một cuộc xung đột ở Ukraine. Còn tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow hôm 18-2, Tổng thống Putin nêu rõ “tình hình hiện nay đang xấu đi” ở miền Đông Ukraine.
Theo ông Putin, phương Tây và đồng minh “chưa sẵn sàng xem xét nghiêm túc các đề xuất an ninh then chốt”. Tổng thống Nga cho biết đã gợi ý giới chức Ukraine đàm phán với các lực lượng ở miền Đông nước này, đồng thời kêu gọi việc thực thi thỏa thuận Minsk.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán với NATO về các yêu cầu an ninh nhưng cả Mỹ và tổ chức này đều chưa sẵn sàng giải quyết các quan ngại chính của Moscow.