Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: TS Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM. Đồng chủ trì hội thảo còn có PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Các đồng chí chủ trì hội thảo khoa học quốc gia "Chủ trương và chính sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh: VIỆT DŨNG Cơ hội tiếp cận quan điểm, tư duy mới
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ CNH, HĐH là động lực và là nhiệm vụ then chốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; chìa khóa phát triển đất nước theo hướng hiện đại và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia.
Theo đồng chí, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở mỗi giai đoạn có những mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau, và đến Đại hội XIII của Đảng đã được nâng lên tầm mức cao hơn. Đó là đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, để góp phần cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chuẩn bị hết sức công phu, đặt hàng các cơ quan và các chuyên gia trong, ngoài nước gần 70 báo cáo, tham luận có chất lượng, với nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tiếp cận chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nhiều góc độ khác nhau. Đồng thời hy vọng cuộc hội thảo này sẽ đề xuất được những giải pháp đột phá, góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM vừa tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó CNH, HĐH là một trong những nội dung rất quan trọng. TPHCM xác định đây là một cơ hội tiếp cận quan điểm, tư duy mới về chiến lược CNH, HĐH để bổ sung những vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Thành ủy TPHCM tin tưởng hội thảo lần này là một cơ hội tiếp cận quan điểm, tư duy mới về chiến lược CNH, HĐH để bổ sung những vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: VIỆT DŨNG Ngay từ những năm đầu đổi mới, TPHCM đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt, với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và mạng lưới hạ tầng thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, trong bối cảnh mới hiện nay, TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực và trên thế giới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG Từ hội thảo này, TPHCM sẽ có cơ hội tiếp thu thêm những thông tin thiết thực, bổ ích, giúp cho thành phố có cơ sở lý luận, thực tiễn để đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đổi mới sáng tạo, có tiềm lực khoa học công nghệ vững mạnh. Từ đó, đưa TPHCM sớm trở thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại quốc tế và đưa các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh CNH, HĐH có ý nghĩa sống còn
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định, CNH, HĐH là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định, CNH, HĐH là quá trình tất yếu. Ảnh: VIỆT DŨNG CNH, HĐH đã được đặt ra tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức, lý luận, tạo bước ngoặt cho sự phát triển.
Đặc biệt, Đại hội XIII đã đưa ra mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc… phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM thẳng thắn nhìn nhận quá trình CNH, HĐH đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, việc bổ sung “CNH, HĐH” vào mục tiêu tổng quát trong Văn kiện Đại hội XIII lần này cho thấy bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề địa chính trị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế gay gắt. Cùng với đó là yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta.
Đại hội XII của Đảng đã nhận định: “Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được” và “việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”. PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn hội thảo sẽ tập trung trao đổi, giải đáp, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng nghị quyết mới.
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu là các chuyên gia đến từ các quốc gia. Ảnh: VIỆT DŨNG Từ đó đặt ra vị trí vai trò quan trọng, cần thiết để nhiệm vụ CNH, HĐH được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả cao hơn trong những năm tới. Điểm mới trong tư duy, nhận thức của Đảng là xác định CNH, HĐH phải dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực.
Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về định hình mô hình CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình CNH, HĐH của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, từ những chủ trương chính sách của Đảng, quá trình CNH, HĐH nước ta đã thu được những một số thành tựu quan trọng. Trong đó, công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn. Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân; gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26,6% năm 2011 đến 28,5% vào năm 2019. Cùng với đó, cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển ngày càng tích cực; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng. |
THU HƯỜNG - VĂN MINH