Hội nghị do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ (SIHUB) tổ chức, trong khuôn khổ cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM - GIC 2024".
Hiện nay chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội mà các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Phát triển bền vững là việc đáp ứng nhu cầu mọi mặt của xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển cho thế hệ tương lai thông qua việc tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Tại hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện, cộng đồng khởi nghiệp cho rằng, TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, chuyển đổi số và xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, còn góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Bà Phan Thị Quý Trúc, đại diện Sở KH-CN TPHCM cho biết, mục tiêu phát triển bền vững (viết tắt là SDGs) là một khuôn khổ toàn diện, bao gồm 17 mục tiêu cụ thể của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết những vấn đề mà các nước đang phải đối mặt. Đó là một quá trình phức tạp, phải có cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường, do vậy cần có sự liên kết của rất nhiều tổ chức, đơn vị từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến tổ chức xã hội và người dân cùng tham gia.
"Tăng trưởng bền vững luôn song hành với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển doanh nghiệp hiệu quả. Thông qua hội nghị, chúng tôi muốn truyền tải những giá trị cốt lõi, những thách thức liên quan đến phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết những vấn đề của phát triển bền vững đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sở KH-CN TPHCM rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, hiến kế, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đóng cho sự phát triển chung của TPHCM và cả nước”, bà Phan Thị Quý Trúc chia sẻ.
Còn theo TS. Trần Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và quan hệ đối ngoại, Trường ĐH Tài nguyên môi trường, sự biến đổi ngày nay đã tạo nên những thách thức lớn cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng như: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khai thác tài nguyên, quá tải cơ sở hạ tầng và giao thông… Trong đó, thách thức cần giải quyết của TPHCM là ô nhiễm môi trường vì không khí, nước, đất bị ô nhiễm nặng do hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt; ùn tắc giao thông do hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân… ngày càng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
“Một số giải pháp cho phát triển bền vững bao gồm: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng (dựa trên khai thác tài nguyên sang tăng trưởng xanh, bền vững); đầu tư vào hạ tầng (nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, xử lý nước thải, rác thải); phát triển đô thị thông minh (ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị); phát triển nguồn nhân lực (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại)….”, TS. Trần Thanh Tâm đề xuất.
Cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM - GIC 2024” do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ các dự án sáng tạo có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, phát triển xanh. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ là nơi ươm tạo cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đầy sáng tạo, tâm huyết có thể phát triển ứng dụng vào thực tiễn.
Tham gia cuộc thi, các dự án sẽ có cơ hội gặp gỡ chuyên gia để hoàn thiện mô hình kinh doanh, đơn vị chức năng chuyên môn, nhằm khơi gợi bài toán đặt hàng phù hợp với những chính sách của thành phố.