Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) đóng góp lớn đối với nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.
Thị trường BĐS du lịch tạo động lực để hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, làm thay đổi diện mạo của các địa phương và giúp kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.
“Trước những khó khăn trong thời gian quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả việc tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại nhiều địa phương. Đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất, để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nền kinh tế quý 1-2024, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,7%, trong đó, ngành xây dựng tăng 6,8%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,8% của quý 1-2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm và lĩnh vực BĐS có đóng góp không nhỏ trong tỷ lệ này.
Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang đón đầu mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, với dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Quan trọng hơn, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn trầm lắng hơn so với các phân khúc còn lại. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần khơi thông, tìm điểm nghẽn và có những giải pháp.
Về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, các dự án triển khai liên quan đến bản án, kết luận thanh tra cũng đang được xử lý. Luật Kinh doanh BĐS 2023 quy định các dự án phải công bố thông tin trên cổng thông tin của chính doanh nghiệp; các nội dung phải bao gồm thông tin địa điểm, dự án, nhà ở, quyền sử dụng đất… góp phần tăng sự công khai minh bạch để người mua có thể tiếp cận. Luật cũng bổ sung các hành vi cấm, như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch, không công bố công tin…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở... bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành trong tháng 7-2024.
Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất. Song song, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng BĐS để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS...
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến, làm rõ những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, những tác động tích cực đến thị trường. Làm rõ vấn đề cán cân BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong sự phát triển kinh tế và GDP của đất nước; khơi thông nguồn vốn cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng...
Diễn đàn cũng phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng; tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường, dự báo diễn biến, xu hướng, thách thức, cơ hội để góp phần tìm ra giải pháp phát triển bền vững thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024.