Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, đèo Lò Xo (thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh) đi qua hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có hướng tuyến quanh co, địa hình hiểm trở, độ dốc sườn thiên nhiên lớn, bên núi cao, bên vực sâu. Từ khi đưa vào khai thác năm 2004 đến nay đèo Lò Xo đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Theo thống kê của đơn vị quản lý tính từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 6-2018 trên đoạn tuyến đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và làm hư hỏng nhiều phương tiện. Như vậy, bình quân mỗi năm có 30 người thương vong tại khu vực này.
Theo Tổng cục ĐBVN, các vụ tai nạn trên đoạn đường qua đèo Lò Xo tập trung chủ yếu trên 4 đoạn có dốc dọc lớn liên tục (chiếm 83%): Km1408+800 - Km1411+300; Km1418+250 - Km1420+250; Km1421+900 - Km1424+400; Km1427+500-Km1432, tập trung chủ yếu vào các phương tiện xe tải, xe khách và container (87%). Tất cả các vụ tai nạn từ nghiêm trọng trở nên đều có dấu hiệu mất phanh hoặc sự cố liên quan đến phanh; 73% các vụ tai nạn từ nghiêm trọng trở lên xảy ra với lái xe đường dài, lái xe thiếu kinh nghiệm khi đổ đèo. Đặc biệt, hầu hết tai nạn xảy ra theo chiều xuống dốc và thường là xe lao xuống vực. Cũng theo Tổng cục ĐBVN, ngoài các nguyên nhân như tình trạng mặt đường, điều kiện thời tiết, kỹ thuật phương tiện… nguyên nhân chính là yếu tố tốc độ xe khi đổ đèo và ảnh hưởng của dốc dọc lớn và dài.
Để hạn chế TNGT trên đèo Lò Xo, Tổng cục ĐBVN cho rằng cần thực hiện một giải pháp tổng hợp bao gồm phương án phòng ngừa tai nạn chủ động và phương án xử lý tai nạn bị động. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường hệ thống an toàn giao thông, kết hợp với sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng giao thông. Đại diện tỉnh Kon Tum kiến nghị cần tăng thêm số lượng các biển báo giao thông, tăng thêm chiều cao của hộ lan cũng như hạn chế tốc độ tại các điểm cong cua.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Quản lý đường bộ 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xử lý các yếu tố gây mất an toàn trên tuyến đường qua đèo Lò Xo, rà soát lại hồ sơ thiết kế, cải tạo, mở rộng các điểm đường cong tại những nơi điều kiện cho phép, đảm bảo mặt bằng cho lái xe xử lý tình huống, nghiên cứu bố trí và xây dựng thêm các đường lánh nạn, hốc lánh nạn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu bố trí hộ lan 2, 3 tầng tại các điểm nguy hiểm thường xảy ra TNGT, đồng thời tính toán độ sâu của cọc hộ lan, cọc giảm chấn đảm bảo độ cứng vững khi xảy ra TNGT. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phối hợp với địa phương xây dựng, hình thành các trạm dừng nghỉ, khuyến cáo lái xe dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật phương tiện tại đây cũng như tìm hiểu thông tin của tuyến đường trước khi đi qua đèo.