Tìm giải pháp cứu người chăn nuôi heo

Trước tình hình giá heo đang rớt tới đáy, chỉ còn 21.000 đồng/kg, ngày 24-4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tổ chức cuộc họp nóng với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo vệ người chăn nuôi heo và các chủ trại.
Người chăn nuôi heo khốn đốn vì giá heo hơi xuống quá thấp
Người chăn nuôi heo khốn đốn vì giá heo hơi xuống quá thấp
Giá thịt heo tại Việt Nam rẻ nhất thế giới


Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 5 tháng qua, giá heo hơi trong cả nước liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn 21.000 - 25.000 đồng/kg, tùy khu vực và mức giá này được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng mùa hè tới. Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh: “Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và được coi là thấp nhất thế giới”. Còn theo tính toán của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam, hiện giá TACN trung bình là 9.000 đồng/kg, và cứ 1kg heo hơi thì cần 4kg cám, tính ra chi phí là 36.000 đồng. Trong khi đó, giá heo hơi chỉ còn 23.000 đồng/kg, có nghĩa là nông dân chăn nuôi đang thua lỗ lớn.

Nguyên nhân dẫn tới việc giá heo tụt dốc không phanh như hiện nay theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là do cung thịt heo đang hơn cầu quá nhiều. Chỉ trong 20 năm qua, chăn nuôi heo đã tăng 20 lần, từ 1,8 triệu tấn năm 1996 hiện đã đạt 5,4 triệu tấn vào năm 2017. Trong khi đó, cơ cấu bữa ăn của người dân đã thay đổi nhiều, đa dạng các loại thực phẩm như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, cá… Và một nguyên nhân nữa là việc tổ chức ngành hàng và thị trường quá kém. Chăn nuôi hiện nay mới có 45% theo quy mô trang trại, còn lại 55% với 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không kiểm soát được số lượng cũng như quy mô. Về giết mổ, chế biến hiện cũng rất yếu, chỉ có một số ít doanh nghiệp chế biến sâu, còn lại phần lớn thịt heo vẫn tiêu thụ theo cách truyền thống, giết mổ rồi vận chuyển ra chợ bán. Trong khi đó, khâu tổ chức thị trường tiêu thụ từ nội địa đến xuất khẩu còn kém. Giá heo đang tụt dốc mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá cao. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của các nước khá cao như Singapore, Philippines, Trung Quốc… đều đang phải nhập khẩu thịt heo với số lượng lớn nhưng thịt heo Việt Nam lại không thâm nhập được. Ngành chăn nuôi heo chưa bao giờ điêu đứng như hiện nay.

Mua dự trữ và dừng nhập khẩu

Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng thu mua đầu vào, dự trữ cấp đông để chế biến sâu nhằm giảm tải lượng heo dư thừa hiện nay để chia sẻ khó khăn cho người nông dân. Tuy nhiên, ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết, tại thủ phủ chăn nuôi của miền Bắc là tỉnh Hà Nam, hiện giá heo công ty thu mua của nông dân cao hơn hai giá so với mặt bằng chung, cụ thể là 23.000 đồng/kg. Nhưng ở tỉnh Hà Nam, hiện phần lớn là heo quá lứa, trọng lượng từ 140kg/con, giá khoảng 1,5 triệu đồng/con nhưng người chăn nuôi vẫn không bán được. 

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng thị trường, thuê thêm kho để tăng thu mua cấp đông, chế biến lâu dài. Đồng thời sẽ tiếp tục giảm giá bán TACN, giá bán con giống cho nông dân”. Nhưng ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, hiện việc phân phối thịt heo qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đẩy lên và khó kiểm soát. Trong khi đó, giá heo hơi trong dân chắc chắn sẽ còn giảm vì lượng cung còn quá lớn, trung bình mỗi ngày lượng cung thịt heo ra thị trường tăng 1%. Còn đại diện Tập đoàn Dabaco cho biết đã giảm giá thức ăn 5% - 7% từ tuần trước; giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, để thúc đẩy tiêu thụ thịt heo trong nước, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Công thương xem xét tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt để bình ổn thị trường. Về lâu dài cần quy hoạch ngành chăn nuôi heo, phải xem đây là ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện, không thể thích mở trang trại chăn nuôi là mở mà không có điều kiện ràng buộc gì. 

Trước chia sẻ của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo, giảm quy mô đàn; tập trung tổ chức lại ngành hàng, đặc biệt là quy mô nông hộ. Nếu cứ để tồn tại 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì sẽ còn rủi ro, tình trạng thừa thịt heo sẽ còn xảy ra. Bộ NN-PTNT sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội thịt heo để tăng tính liên kết. Đặc biệt sẽ mở rộng xuất khẩu thịt heo theo đường chính ngạch; xuất khẩu thịt heo sang một số nước Asean và một số thị trường khác. Bộ NN-PTNT cũng tính đến việc tạm dừng nhập khẩu thịt heo.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15-3, cả nước đã nhập khẩu tới gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nói về các loại thịt nói chung thì cả nước đã nhập tới gần 41.000 tấn thịt các loại trong 3 tháng đầu năm 2017. 

Tin cùng chuyên mục