Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam và phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng đất nước.
Trước đây, nghề này đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh như: Duy Duyên, Điện Bàn, Đại Lộc...; giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa bị mai một là do thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ; việc chia đất để giao cho từng hộ phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, nên đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu, làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, diện tích dâu bị giảm mạnh, từ đó nghề nuôi tằm và ươm tơ không thể tiếp tục sản xuất, nông dân chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, đậu, bắp… và ngành nghề khác hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha trồng dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên, như: Duy Hòa, Duy Châu, Thị trấn Nam Phước, Duy Trinh,... với khoảng 30 hộ trồng.
Hiện nay, các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định, với khoảng 60.000 đồng/kg tằm, tính ra nuôi tằm bán làm thực phẩm lợi hơn nuôi tằm lấy kén.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và chắc chắn nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về lụa tơ tằm, đặc biệt là thị trường một số nước như Mỹ, Nhật Bản... là rất lớn. Điều này cũng đã mở ra triển vọng trong phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở một số vùng có điều kiện của tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, để khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là một quá trình lâu dài, cần phải có sự nhận thức sâu sắc của cán bộ, của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và quan trọng hơn là nghề này phải đem lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới thu hút được lao động nông thôn tham gia.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống với 23 nghề; trong đó có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng như: Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; các huyện miền núi rất ít làng nghề.
Đối với nghề dệt thổ cẩm, đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề này tập trung chủ yếu ở một số địa phương, như: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang với một số Làng nghề tiêu biểu như: Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Pơr’ning, xã Lăng (huyện Tây Giang); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Làng nghề dệt thổ cẩm thôn BHờ Hôồng 1, xã Sông Kôn (Đông Giang); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Zara, xã Tabling (huyện Nam Giang).
Về tình hình hoạt động, hiện có 182 hộ với 262 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (lao động nữ) tham gia nghề.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ còn nhiều khó khăn, dừng ở mức độ duy trì nghề. Thu nhập bình quân của lao động thấp, khoảng dưới 1 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam và các huyện đã có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ khôi phục, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm và các làng nghề như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, xây dựng nhà trưng bày, đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tham gia Hội chợ, đào tạo, tập huấn...
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như ILO, JICA, FIDR... cũng đã quan tâm, triển khai các Chương trình dự án hỗ trợ có liên quan đến phát triển nghề, các làng nghề dệt thổ cẩm như: Dự án tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở Quảng Nam do ILO, SILT tài trợ; Dự án phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam do Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ với sự phối hợp với các đối tác có liên quan; Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn dựa trên sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Nam Giang...
Việc hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức quốc tế đã giúp cho đối tượng làm nghề từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.