Việc UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các thủy điện xả nước đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ, nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng đã làm nóng lên câu chuyện về trách nhiệm chia sẻ và phân bố nguồn nước, nhất là vai trò và cam kết của các thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết nước.
Điệp khúc nhiễm mặn
Không phải đến bây giờ câu chuyện nước sông Cầu Đỏ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn mới được nhắc đến, thực chất vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, nhất là vào mùa khô hạn. Báo cáo của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, chỉ riêng tháng 8 năm nay, nguồn nước thô tại cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ (đặt trên sông Cầu Đỏ) đã bị nhiễm mặn 4 lần. Đỉnh điểm cao nhất diễn ra vào ngày 14-8, độ mặn lên đến 2.702mg/lít (theo quy định của Bộ Y tế đưa ra là 250mg/lít), vượt ngưỡng hơn 10 lần. So với cùng kỳ năm trước, năm nay việc nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ cao gấp 5 lần.
Nguyên nhân đẫn đến tình trạng này là do nguồn nước từ sông Vu Gia dẫn về rất thấp và đang có xu hướng cạn dòng bởi các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn dừng sản xuất điện và tích nước, cùng với sự xuống thấp của thủy triều trên sông Hàn khiến nước biển lấn sâu vào đất liền. Để giảm độ mặn, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã phải thường xuyên vận hành hệ thống bơm dự phòng từ đập An Trạch (cách Nhà máy nước Cầu Đỏ 8km) đưa nước về nhà máy, đồng thời nỗ lực khai thác tất cả nguồn nước thô có thể để đưa vào sản xuất nước sạch. Tuy nhiên, dù vận hành hết cỡ, công suất cũng chỉ đạt 240.000m3/ngày đêm, đáp ứng khoảng 70% công suất cấp nước thông thường, dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để sản xuất.
Theo ông Phan Lưu, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, để tránh tình trạng nước nhiễm mặn như nhiều năm qua, trước mắt chính quyền thành phố và các bộ ngành liên quan cần quan tâm đến quy trình vận hành liên hồ chứa để các thủy điện xả nước theo quy định. Đặc biệt, về lâu dài phải xây đập ngăn mặn đoạn phía dưới Nhà máy nước Cầu Đỏ, lúc đó chắc chắn đảm bảo an toàn cho vấn đề nhiễm mặn nguồn nước.
Tăng cường phối hợp quản lý nguồn nước
Không phủ nhận vai trò của thủy điện trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc xuất hiện quá nhiều thủy điện vùng thượng lưu Quảng Nam trong 10 năm qua cũng là nguyên nhân gây ra những biến đổi về dòng chảy. Hiện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt, tổng công suất 1.606MW, điện lượng trung bình 6.199 triệu kWh/năm. Ngoài ra, còn có khoảng 820 công trình thủy lợi như hồ chứa, trạm bơm và đập dâng. Qua theo dõi, nguồn nước hạ lưu Thu Bồn vào mùa khô giảm khá mạnh, chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu tưới tiêu.
Bên cạnh đó, việc áp dụng cứng nhắc quy trình vận hành liên hồ (Quyết định 1537/QĐ-TTg của Chính phủ) cũng dẫn đến nhiều bất cập. Đơn cử, đầu tháng 9-2018 hồ Đăk Mi 4 dù có xả nước nhưng chỉ vận hành theo chế độ vận hành mùa lũ, xả qua cống xả sâu về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 3,2m3/giây. Dù đúng theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhưng không phù hợp với tình hình diễn biến nắng nóng bất thường của thời tiết, không đảm bảo nguyên tắc ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt trong trường hợp xảy ra hạn hán, nhiễm mặn gay gắt phía hạ lưu.
Quay lại câu chuyện nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ, mặc dù ngày 13-9 hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã vận hành tăng lưu lượng xả nước về hạ du sông Vu Gia với công suất tối đa 12,5m3/giây, giúp tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ lắng dịu. Tuy nhiên, về lâu dài vấn đề nhiễm mặn sẽ lặp lại nếu không có giải pháp căn cơ. Tại Đà Nẵng, ngoài nhánh sông chính Cầu Đỏ còn có các con sông khác chảy qua, như: Hàn, Túy Loan, Yên, Vu Gia, Cu Đê, Nam, Bắc, kể cả nguồn nước từ bán đảo Sơn Trà... đều được khai thác để phục vụ cho việc sản xuất nước sinh hoạt. Dù vậy, khoảng 95% nguồn nước thô khai thác là từ sông Cầu Đỏ để cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay. Do đó, việc nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn đã đe dọa nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hơn 1 triệu người dân thành phố.
Trong một cuộc họp mới đây, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho rằng, từ khi Thủy điện Đắk Mi 4 đi vào vận hành phát điện (năm 2012) đã chuyển một lượng lớn nước của sông Đắk Mi (sông Cái) về sông Thu Bồn (ước tính tương đương 40% về phía Quảng Nam). Chưa kể, sông Vu Gia ở đoạn trung lưu lại tiếp tục chia nước về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), nên lượng nước từ sông Vu Gia về sông Cầu Đỏ rất ít, gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho vùng hạ du Đà Nẵng vào mùa khô.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cần có giải pháp đồng bộ. Hiện, 2 địa phương đã kiến nghị Bộ TN-MT xây dựng một đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia về nâng cao năng lực cảnh báo phòng chống lũ lụt và hạn hán nhiễm mặn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trước mắt sẽ triển khai một dự án nhỏ hơn là nâng cao năng lực cảnh báo và hiệu quả phòng chống lũ lụt, hạn hán nhiễm mặn ở khu vực hạ du sông Vu Gia qua các huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng).
Đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý nguồn nước của Quảng Nam và Đà Nẵng nên 2 địa phương cần phối hợp chặt chẽ, việc thành lập ban điều phối là bước đi cụ thể.
Nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp chống nhiễm mặn lâu dài cho nguồn nước sinh hoạt Đà Nẵng đã diễn ra. Kể cả việc 2 địa phương cũng đã thành lập ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng; nhưng bài toán vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Một số chuyên gia cho rằng, để chống nhiễm mặn cần tập trung vào 4 giải pháp như: đầu tư thêm nhà máy khai thác nước và hệ thống đường dẫn từ đập An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ; tìm kiếm và khai thác nguồn nước khác thay thế; triển khai Nhà máy cấp nước Hòa Liên; xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ và cần có quy định chặt chẽ để các nhà máy thủy điện tuân thủ xả nước đẩy mặn khi nhiễm mặn xảy ra… |