Đô thị hóa thiếu kiểm soát
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập nước như biến đổi khí hậu, lún nền, cơ sở hạ tầng yếu kém… thì đô thị hóa là một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất. Thực tế khảo sát tình trạng ngập nước tại TPHCM cho thấy, đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát. Đã xảy ra tình trạng san lấp kênh rạch và vùng chứa nước một cách ồ ạt, dẫn đến mực nước đỉnh triều tăng rất nhanh.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, trung bình mực nước biển tăng mỗi năm 0,5cm, trong khi tốc độ dâng của mực nước trên sông đến 1,5cm. Đó là hậu quả của việc con người can thiệp vào thiên nhiên, lấn đẩy nước ra ngoài sông qua quá trình bao đê, làm thủy lợi.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống tiêu thoát nước cũng còn nhiều bất cập, như nâng đường dẫn đến tình trạng cống cao hơn hẻm, lấn chiếm kênh rạch thoát nước, xả rác xuống kênh rạch, bùn thải…, là những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước.
Trong quá trình đô thị hóa tại TPHCM 14 năm qua, đã có 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha bị biến mất. Các khu vực quận 7, quận 8, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức vốn là những vùng trũng, với nhiều ao hồ, kênh rạch và từng được ví như những túi chứa nước tự nhiên khổng lồ cứu nguy cho TPHCM mỗi khi mưa lớn, triều cường hay lũ từ thượng nguồn đổ về.
Tuy nhiên, đến nay địa bàn này đang bị mất dần, bởi tình trạng san lấp để xây dựng các khu đô thị. Chỉ tính riêng việc hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đã có đến hàng trăm hecta đất tự nhiên bị san lấp, đấy là chưa kể hàng loạt khu dân cư, khu đô thị khác ăn theo Phú Mỹ Hưng cũng san lấp cả ngàn hécta đất tự nhiên.
Việc mất diện tích bề mặt tự nhiên không chỉ diễn ra đối với đất nông nghiệp ở vùng ven, mà đồng thời xảy ra đối với diện tích công viên cây xanh trong nội thành. Theo thống kê năm 1998, diện tích công viên của TPHCM khoảng 1.000ha; đến nay, toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh dải phân cách trên địa bàn TPHCM chỉ còn khoảng 535ha, giảm gần 50%.
Quy hoạch cần tầm nhìn dài hạn
Trong thời gian gần đây, TPHCM đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chống ngập của các nước trên thế giới. Thực tế các nước đã có những mô hình chống ngập hiệu quả. Tại Singapore, hệ thống kênh cùng với mạng lưới cống rãnh dài tổng cộng 7.000km đã giúp xử lý được tình trạng ngập lụt do triều cường và mưa lớn.
Những con kênh của Singapore bây giờ lại có thêm chức năng làm đẹp cảnh quan, phục vụ nhu cầu thư giãn. Để chống ngập lụt, các thành phố ở Malaysia có nhiều giải pháp khác nhau trong quy hoạch hạ tầng.
Ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, hầm Smart là công trình chống ngập khá thành công. Đường hầm có 2 công dụng là hầm đường bộ và quản lý nước mưa, dài 9,7km. Mục đích chính của đường hầm này là giải quyết tình trạng ngập lụt và giảm tắc nghẽn giao thông ở một số giao lộ chính trong giờ cao điểm.
Từ việc phân tích những nguyên nhân gây ngập và tham khảo các giải pháp chống ngập, có thể chỉ ra giải pháp chống ngập cho TPHCM là khơi thông các hệ thống thoát nước tự nhiên và đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị. Tuy nhiên, công việc quy hoạch thoát nước ở đô thị hiện nay mới chỉ được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị, chưa được thực hiện chi tiết theo từng lưu vực sông.
Từ đây cho thấy, quy hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, tính đến tất cả mọi rủi ro, không nên để mật độ xây dựng quá cao. Cần thường xuyên duy tu, nạo vét kênh, cống để khơi thông dòng chảy. Kiểm tra và xử phạt nặng việc đổ rác thải hay xây dựng làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh thoát nước. Tổ chức đấu thầu giao cho các cơ quan có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm thực thi các dự án thoát nước đô thị.