Sẵn sàng hỗ trợ tài chính
Cuộc gặp ở Riyadh có thể có sự tham gia của Ngoại trưởng Anh David Cameron và các quan chức chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), Jordan, Ai Cập và Qatar cũng như chính quyền Palestine. Các quan chức Israel, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia và Hamas được cho là sẽ không tham dự.
Washington đang thất vọng vì cho rằng Israel thiếu kế hoạch cho tình hình thời hậu chiến ở Gaza và Thủ tướng Benjamin Netanyahu không sẵn sàng thảo luận các bước đi hướng tới giải pháp hai nhà nước với Palestine. Trong khi đó, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar phát đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết Gaza nếu Israel chấp nhận đàm phán về quy chế nhà nước của Palestine. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mỹ và 17 nước cũng đã lên tiếng kêu gọi Hamas thả con tin đang giam giữ tại Dải Gaza, mở đường cho việc kết thúc xung đột Trung Đông. Đây là 18 nước có công dân bị Hamas bắt giữ, 6 tháng sau khi nhóm vũ trang này tiến hành cuộc tấn công vào miền Nam Israel. Tuy nhiên, phản ứng trước lời kêu gọi trên, quan chức Hamas Sami Abu Zuhri nói rằng lực lượng này sẽ không bị lung lay bởi áp lực của Mỹ về vấn đề con tin. Hamas yêu cầu Israel chấm dứt chiến sự tại Gaza như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm thả con tin.
Cảnh báo tác động
Trong khi đó, tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiếp tục tổ chức phiên thảo luận mở về tình hình Trung Đông và Palestine dưới sự chủ trì của ông Ian Borg, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Malta - nước Chủ tịch HĐBA - trong tháng 4-2024. Tham dự phiên thảo luận có Tổng thư ký LHQ, nhiều bộ trưởng và quan chức ngoại giao của các nước ủy viên HĐBA và hơn 50 quốc gia thành viên khác của LHQ.
Phát biểu mở đầu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông, trong khi khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng trầm trọng. Hầu hết các nước bày tỏ quan ngại về nguy cơ xung đột leo thang; thất vọng trước việc HĐBA không thể thông qua dự thảo nghị quyết về việc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức của LHQ.
Trước đó, sau chuyến thăm Ai Cập và tới cửa khẩu Rafah nối với Dải Gaza, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại các vùng lãnh thổ của Palestine, bà Francesca Albanese, cảnh báo các nước láng giềng không thể một mình thích ứng với tác động của cuộc xung đột Gaza. Bà Francesca Albanese khuyến nghị quá trình cung cấp hỗ trợ nhằm giải quyết các hành động của Israel ở Gaza nên được lồng ghép thông qua điều phối viên các vấn đề nhân đạo của LHQ.
Theo TTXVN, phát biểu tại phiên thảo luận, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Đại biện lâm thời Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông; khẳng định Việt Nam phản đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động thù địch, trả tự do vô điều kiện cho tất cả con tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ; nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ nguyện vọng chính đáng của Nhà nước Palestine sớm trở thành thành viên chính thức của LHQ.