Ảm đạm
Năm nay, nhiều ngành của hai trường ĐH lớn nhất khu vực Tây Nguyên là Trường ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Tây Nguyên không tuyển được thí sinh nào. Trong khi đó, một số ngành khác, số thí sinh trúng tuyển cũng chưa tới con số 10 người. Trường ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng) mở ngành Kỹ thuật hạt nhân năm 2016 và thời điểm ấy, ngành này có điểm chuẩn lên tới 25,5 điểm. Tuy nhiên, đến năm nay, ngành này lao dốc khi điểm chuẩn 16 điểm và chỉ có 7 thí sinh nhập học. Còn ngành Lịch sử chỉ có 3 thí sinh nhập học, Vật lý học có 2 thí sinh, Sinh học 2 thí sinh, Công nghệ kỹ thuật môi trường 5 thí sinh. Thậm chí, thống kê quy mô đào tạo (từ năm 2 đến năm 4) trong đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Đà Lạt cho thấy, nhiều ngành không có sinh viên nào, như: Nông học, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Công nghệ sau thu hoạch, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa, Sư phạm Ngữ văn...
Trường ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk) cũng có nhiều ngành không có thí sinh nào nhập học như Sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ sau thu hoạch, Quản lý tài nguyên rừng. Trong khi những ngành khác như Lâm sinh, Nông lâm nghiệp, Chăn nuôi chỉ có từ 3-5 thí sinh nhập học. Trường tiếp tục thông báo tuyển bổ sung 513 chỉ tiêu cho 23 ngành trong tháng 10 nhưng hiện nay vẫn không khả quan vì thí sinh không mặn mà đăng ký.
Ở khu vực phía Bắc, tại các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Tân Trào, Trường ĐH Hà Tĩnh, nhiều ngành như Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế đầu tư, Tâm lý học, Lâm sinh, Sư phạm sinh học, Chăn nuôi, Quản lý văn hóa, Khoa học cây trồng, Công tác xã hội, Quản lý đất đai... không có thí sinh nhập học. Còn tại miền Trung, các trường thành viên của ĐH Huế, Trường ĐH Quảng Bình, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Trường ĐH Quảng Nam có nhiều ngành học Sư phạm, Kỹ thuật công nghệ và Kinh tế nông nghiệp cũng “đói” thí sinh. Các trường thuộc khu vực Tây Nam bộ như Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Bạc Liêu, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Trà Vinh cũng lay lắt tuyển sinh cho các ngành thuộc khối nông nghiệp như Thủy sản, Chăn nuôi, Khoa học cây trồng...
Cần đột phá về chính sách
Theo PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM), trong nhiều năm liền, các ngành thuộc khối nông nghiệp của trường có điểm chuẩn luôn đội sổ so với những ngành khác. Thế nhưng, không năm nào các ngành này tuyển đủ chỉ tiêu. Qua tìm hiểu, PGS-TS Võ Văn Thắng nhận thấy, trong các trường thuộc Bộ NN-PTNT cũng như các trường có đào tạo nhóm ngành nông nghiệp cũng không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, cao lắm chỉ tuyển được 30%. “Đã vậy, khi trực tiếp trao đổi với sinh viên đang học tại trường, các em đều không có mong muốn làm việc tại địa phương. Ngược lại, nhu cầu nhân lực của tỉnh về những ngành này cho phát triển kinh tế luôn trong tình trạng cung không đủ cầu”, PGS-TS Võ Văn Thắng trăn trở.
Trước thực trạng trên, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cho rằng, bản thân trường cũng như các trường khác cần nhìn lại chương trình đào tạo để có hướng thay đổi phù hợp. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT nên có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh các ngành thuộc khối nông nghiệp như đã làm với nhóm ngành du lịch, công nghệ thông tin.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM), cho biết, nhu cầu nhân lực có trình độ ở các ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, sư phạm của các địa phương khá lớn nhưng ở vùng xa vùng sâu thì khó thu hút. Một điểm đáng ngại nữa là tâm lý của phụ huynh không muốn con mình ra trường đi làm ở địa phương mà luôn mong muốn được làm việc ở thành phố vì có điều kiện và triển vọng tương lai hơn. Do đó, muốn thu hút nhân lực về địa phương, cần phải có chính sách, đó là lương đủ hấp dẫn, kèm ưu đãi đất đai, nhà ở. Ngoài ra, cần phải có những doanh nghiệp đủ lớn với điều kiện làm việc tốt thì mới thu hút được nhân lực về địa phương.
Dưới góc độ chuyên gia về chính sách trong phát triển kinh tế, GS-TSKH Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phải bám sát 4 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế. Việc phát triển kinh tế nông nghiệp cần phải có những chính sách đặc thù cho ngành và cho từng vùng. Ví dụ như tại ĐBSCL, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có chính sách vĩ mô từ Chính phủ. Tỉnh nào cũng mong muốn phát triển cái này, cái kia nhưng bỏ trống bài toán nhân lực thì không thể nào làm được! Những đề xuất và giải pháp phải tính tới hiệu quả cụ thể, đào tạo như thế nào, thu hút và đãi ngộ nhân lực rõ ràng chứ không thể chỉ trên giấy.
Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Để đạt được các mục tiêu này thì bài toán nhân lực phải đặt lên hàng đầu. Nếu không có nhân lực cao, sẽ khó có thể triển khai mục tiêu cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Do đó, phải tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, cho vùng. Đặc biệt, chương trình đào tạo các ngành nông nghiệp cũng cần phải có sự đổi mới.