Thách thức đô thị
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,56%/năm, riêng năm 2016 đạt 9,04%, quy mô GRDP năm 2016 đạt 69.806 tỷ đồng, đóng góp 1,55% GDP cả nước, xếp thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thứ 4 trong 14 tỉnh miền Trung; thu nhập đầu người 52,4 triệu đồng/người/năm. Dự đoán năm 2018, thu ngân sách đạt 25.900 tỷ đồng, cao nhất vùng duyên hải miền Trung và xếp thứ 9 trong cả nước.
Nổi bật chính là tăng trưởng ở khu vực công nghiệp khi đóng góp 37,1% trong cơ cấu GRDP thành phố, thu hút 29% lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Khu vực dịch vụ cũng chứng kiến sự phát triển nhanh về các chỉ tiêu phát triển lẫn cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngành du lịch đóng góp 23,72% GRDP toàn thành phố, cao hơn 1,7 lần tỷ trọng cả nước và gấp 2 lần so với Quảng Ninh và Hà Nội…
Tuy nền kinh tế có sự phát triển đúng hướng, nhưng ở một số ngành vẫn chưa đạt so với tiềm năng, tốc độ cải thiện năng suất còn chậm. Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bên cạnh thách thức về tính bền vững của nguồn thu ngân sách cho đầu tư phát triển thì phát triển không gian đô thị, nhất là quy hoạch và phát triển đô thị của Đà Nẵng đang tạo ra “điểm nghẽn”, ngăn cản sự bứt phá.
Nổi lên là sự quy hoạch không đồng bộ theo trình tự, quy trình quy hoạch, thậm chí phải làm ngược; thiếu sự tích hợp các loại quy hoạch với quy hoạch sử dụng đất; việc quản lý và sử dụng đất đô thị đang phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng “thành phố môi trường”.
Nhiều khu đất tại các vị trí đắc địa mặc dù đã có chủ đầu tư những vẫn để trống, không xây dựng công trình, gây mất mỹ quan đô thị và giảm hiệu quả sử dụng đất; quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng thiếu trầm trọng; đất dành cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa… chưa tương xứng với tầm vóc một thành phố lớn; nhiều không gian sinh thái bị xâm hại, nhiều giá trị cảnh quan thiên nhiên bị chiếm dụng phục vụ các dự án du lịch, dịch vụ mà người dân không được tiếp cận thụ hưởng.
Bên cạnh đó, các vấn đề về hạ tầng giao thông hay những bất cập về cơ chế chính sách và mô hình quản lý chính quyền địa phương… cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của Đà Nẵng. “Từ những vấn đề đang đặt ra, cho thấy bản thân sự phát triển nhanh của Đà Nẵng đã nảy sinh và tích tụ nhiều bất cập và đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn, nút thắt phát triển của thành phố, mà hệ quả là chức năng, vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của thành phố có dấu hiệu suy yếu.
Do đó, việc quy hoạch thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với vị trí, vai trò của Đà Nẵng, bao gồm sự định hướng phát triển các ngành kinh tế, tổ chức không gian đô thị, cùng với cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển theo quy hoạch, vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là mục tiêu lâu dài của Đà Nẵng hiện nay và thời gian tới”, ông Minh nói.
Xây dựng đô thị “đẳng cấp”
Tại hội thảo, các đại biểu nhìn nhận, để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố biển quốc tế, đồng thời là địa phương tiên phong của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, trước hết phải thực hiện các cải cách thiết chế, quản trị đô thị, bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên.
TS Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương Ban Kinh tế Trung ương, phân tích, vấn đề quan trọng nhất của sự phát triển thành phố Đà Nẵng chính là thể chế. “So với các nước xung quanh như Singapore, về môi trường kinh doanh, các chi phí về thể chế, chúng ta có cạnh tranh được với họ không? Chưa kể, trong chính sách về đất đai, Đà Nẵng rất thành công, tuy vậy chưa giải phóng được vấn đề không gian. Đơn cử như huyện Hòa Vang, đất nông nghiệp còn rất nhiều, chưa chuyển đổi được”, TS Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Theo TS Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đà Nẵng có biển, có núi, có đô thị ven sông Hàn là một lợi thế. Do đó, nên sửa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành quy hoạch gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải đi theo một lộ trình để mọi kế hoạch, quy hoạch đều phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Để Đà Nẵng phát triển thành đô thị “đẳng cấp” đến năm 2035, TS Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, thẳng thắn: Để Đà Nẵng trở thành thành phố hiện đại, thông minh, thành phố toàn cầu, có bản sắc và đáng sống, cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghệ hiện đại với 3 trung tâm chức năng chính của đầu tàu phát triển gồm: Trung tâm hội nhập, hội tụ phát triển quốc tế - Trung tâm logistics; trung tâm du lịch biển quốc tế; trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng giữ gìn phát triển bản sắc văn hóa, tính nhân văn, hòa hợp với môi trường thiên nhiên; dân cư đô thị có phong cách sống văn minh, văn hóa. “Đà Nẵng cần đề nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng về phân cấp phân quyền và ủy quyền của Chính phủ cho Đà Nẵng”, TS Trần Du Lịch gợi ý.
Cụ thể, Đà Nẵng phải đề nghị Chính phủ trao quyền cho mình trong 4 lĩnh vực chính: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ công chức.