Kỳ vọng đột phá
Theo France 24, trong khuôn khổ hội nghị, nhiều cuộc tọa đàm và thảo luận lần lượt diễn ra với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia về đại dương, đại diện các công ty khai thác hải sản, vận tải hàng hải và tổ chức bảo vệ môi trường. Điểm nhấn của sự kiện là cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ngày 11-2 (giờ địa phương) với sự tham gia của 18 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Rất nhiều chủ đề về bảo vệ đại dương được đưa vào nội dung nghị sự để tìm kiếm giải pháp giảm nạn đánh bắt hải sản quá mức hoặc bất hợp pháp, khai thác dầu mỏ một cách điều độ, chống các hoạt động tàn phá hệ sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đề xuất các cơ chế pháp lý để quản lý và bảo vệ các vùng biển quốc tế…
Với tư cách Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), nước chủ nhà Pháp hy vọng hội nghị sẽ đưa ra thêm nhiều cam kết và giải pháp bảo vệ đại dương bền vững. Theo ông Julien Rochette, Giám đốc Chương trình Đại dương của Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI), điều được trông đợi ở hội nghị lần này là sự ra đời của một số liên minh hoạt động bảo vệ đại dương, tạo đà bứt phá trong những năm tới.
Năm 2022 được đánh giá là năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương với một loạt sự kiện liên quan đến biển và đại dương. Tiếp theo sự kiện One Ocean Summit sẽ là Hội nghị Bảo vệ đa dạng sinh học biển dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3 tại New York (Mỹ). Tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh đa dạng sinh học COP15 tại Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 4 và Hội nghị LHQ về Đại dương tại Lisbon (Bồ Đào Nha) vào tháng 6.
Cần hạn ngạch khai thác phù hợp
Đại dương có ý nghĩa sống còn với nhân loại và Trái đất. Thống kê của LHQ cho thấy, hơn 3 tỷ người trên thế giới sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên này vẫn bị xem nhẹ. Theo nhà đại dương học người Pháp Françoise Gaill, nói đến chống biến đổi khí hậu mà không nói đến đại dương là quên đi phần cốt lõi của cơ chế khí hậu.
Cùng với sự ấm lên toàn cầu và ô nhiễm chất thải nhựa, đánh bắt quá mức là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đại dương, trong bối cảnh tiêu thụ cá của người dân trên thế giới ngày càng tăng. Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) ước tính, tỷ lệ cá bị đánh bắt hiện nay đã hơn 1/3 trữ lượng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này chỉ là 10% trong những năm 1970. Theo các chuyên gia, tại những nơi mà việc quản lý đánh bắt hải sản kém hiệu quả hoặc không quản lý đánh bắt, trữ lượng cá đang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Khai thác chuyên sâu cũng dẫn đến việc đánh bắt ồ ạt và dẫn đến tình trạng một số loài như cá heo, cá mập và cá đuối chết hàng loạt.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mỗi năm ước tính nguồn tài trợ công trên toàn cầu cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển ước khoảng 14 tỷ - 54 tỷ USD. Chính sách tài trợ này đã gây nhiều tổn hại đối với sinh vật biển. Để ngăn chặn việc khai thác quá mức một cách hiệu quả, giới quan sát cho rằng cần phải xác định chính xác sản lượng đánh bắt để quản lý trữ lượng một cách bền vững. Tổ chức Công lý môi trường cho rằng không thể đặt ra hạn ngạch phù hợp nếu không xác định được hoặc đánh giá không chính xác mức độ đánh bắt.