Nhiều thách thức
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV. Hiện nay, bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, quen thuộc, thường liên quan đến sức mạnh cứng, trực tiếp tác động đến chế độ xã hội, chính quyền, cuộc sống người dân... xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề an ninh phi truyền thống, không hề có tiền lệ, liên quan đến cả sức mạnh mềm, tồn tại và hoạt động như một tác nhân xuyên quốc gia, tác động rất phức tạp đến an toàn của người dân, cộng đồng, đất nước và cả thế giới.
Có thể nêu một số nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, dịch bệnh toàn cầu, tấn công mạng, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính - tiền tệ, thông tin giả...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, với vị trí địa lý đặc thù và công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển của CMCN 4.0, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức từ các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là các mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; tình trạng ngập úng đô thị; tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp…
Tăng cường hợp tác quốc tế
Các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam bàn luận cách thức hợp tác quốc tế để ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. TS Đào Ngọc Báu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề hợp tác quốc tế, phối hợp hành động toàn cầu để ứng phó an ninh phi truyền thống; hỗ trợ nâng cao năng lực như ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện phương châm đối ngoại Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế. Việt Nam bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác quốc tế, trân trọng sự hỗ trợ của quốc tế cũng như sử dụng một cách minh bạch.
Còn TS Trần Văn Hải, Đại học Luật, Đại học Huế cho rằng, các vấn đề về môi trường, ma túy… thì pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ con người. Đây cũng là công cụ để các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vấn đề xảy ra, áp dụng một cách thống nhất và hiệu quả, cũng như giúp các quốc gia hợp tác, ký kết và tuân thủ các hiệp ước, hiệp định.
Đồng ý kiến, theo TS Nguyễn Văn Quang, Học viện Chính trị khu vực III, để ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống cần tăng cường năng lực quản trị của mỗi quốc gia cũng như khả năng xác định tầm nhìn và chiến lược. Hệ thống pháp luật và chính sách cần độ linh hoạt để có căn cứ thích ứng và ứng phó. Năng lực lãnh đạo quản lý của bộ máy từ địa phương đến trung ương, có kỹ năng dự báo, ứng phó từ sớm từ xa; sức mạnh công nghệ của từng quốc gia tăng cường khả năng dự báo, giám sát. Nhà nước huy động sức mạnh tổng hợp, đặc biệt người dân tham gia. Cần sự tham gia của cộng đồng người dân để người dân hiểu, ứng phó với thách thức, là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng lực quản trị.