Trường lớp dù được xây thêm cũng không đáp ứng được nguyện vọng rất chính đáng của các bậc cha mẹ cả ngày đi làm, mong cho con được học bán trú.
Trong bối cảnh đó, TPHCM nên xã hội hóa việc tổ chức học bán trú, kêu gọi người dân cùng góp sức chăm lo cho học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học. Tôi đề xuất giải pháp như sau: Tất cả các trường tiểu học tại TP đều dạy 1 buổi theo chương trình chính khóa quốc gia của Chính phủ ban hành. Đây là chương trình chính quy, bắt buộc đảm bảo tính giáo dục, tính công bằng cho tất cả học sinh tiểu học. Còn buổi chiều sẽ do tư nhân đảm nhiệm bằng hình thức Trung tâm Chăm sóc học sinh tiểu học, hoàn toàn không bắt buộc, phụ huynh có thể tự do lựa chọn, hoặc không gửi con đến trung tâm, hoặc tùy ý chọn cơ sở nào thuận tiện, có mức học phí phù hợp khả năng gia đình.
Lớp học bán trú ở điểm Trường dân lập Nguyễn Tri Phương, Gò Vấp
Các Trung tâm Chăm sóc học sinh tiểu học hoạt động theo quy chế của UBND TPHCM ban hành. Mức phí do phụ huynh đóng góp tùy theo quy mô và tổ chức hoạt động đa dạng, nhiều mức độ khác nhau. Buổi trưa, các trung tâm này có xe đến các trường đón học sinh đưa về trung tâm để ăn nghỉ, sinh hoạt; chiều có xe đưa về tận nhà. Các trung tâm này vận dụng phương pháp học tập theo mô hình các nước tiên tiến (được Sở GD-ĐT thẩm định, cấp phép), tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ phong phú, tham quan, cắm trại, nhằm rèn kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với các Trung tâm Chăm sóc học sinh tiểu học của tư nhân, mỗi quận, huyện cũng nên có một vài trường bán trú dành cho con em gia đình chính sách, gia đình thực sự cần sự giúp đỡ. Kinh phí hoạt động sẽ do Nhà nước, các tổ chức xã hội - từ thiện và khuyến học cùng hỗ trợ.
Ngoài giờ thực hiện nhiệm vụ tại trường công lập, giáo viên có quyền ký hợp đồng làm cho các trung tâm. Đây là hình thức tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các giáo viên dạy tốt, mẫu mực, uy tín sẽ có nhiều trung tâm mời cộng tác theo mức lương thỏa thuận. Nghề giáo sẽ được coi trọng.
Để thực hiện giải pháp này, UBND TPHCM nên thành lập một bộ phận chuyên môn để nghiên cứu và soạn thảo các cơ sở pháp lý, nội dung, hình thức, quy mô và những vấn đề liên quan cho việc chăm sóc, giáo dục học sinh tiểu học buổi chiều tại các trung tâm. Cũng cần tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến các nhà khoa học giáo dục, các tập đoàn giáo dục đang hoạt động tại TPHCM, các phụ huynh và các thành phần muốn đầu tư vào mô hình này.