Giá trái cây lao dốc vì bí đầu ra
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, ước sản lượng quý 2-2022, các địa phương vùng Nam bộ với 8 loại cây ăn quả chính (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng...) sẽ vào vụ thu hoạch khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó vùng Đông Nam bộ có 246,6 ngàn tấn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 943,5 ngàn tấn. Với sản lượng này, Cục Trồng trọt cho biết, nếu không có giải pháp kịp thời trong khâu tiêu thụ, có khả năng các nhà vườn tiếp tục gặp cảnh được mùa, mất giá.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, do khó khăn trong xuất khẩu, nhiều loại trái cây ở các tỉnh ĐBSCL liên tục bị rớt giá. Đơn cử tại Hậu Giang, mít Thái siêu sớm loại 1 giảm giá mạnh từ 28.000 đồng/kg còn 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà vườn tỏ ra chán nản, bỏ mặc, không mặn mà chăm sóc.
Liên kết tìm đầu ra tại các kênh bán lẻ
Lý giải giá trái cây ở các tỉnh, thành Nam bộ giảm mạnh thời gian qua, ngành nông nghiệp các tỉnh này cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu khó khăn. Thêm vào đó, nhiều nơi bà con nông dân sản xuất không theo quy hoạch, chạy theo phong trào khi giá thị trường tăng nhất thời... Chẳng hạn tại Hậu Giang, dù ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng người dân vẫn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch. Cụ thể như trái mít, 5 năm trước, diện tích trồng khoảng 5.000ha thì nay đã lên gần 10.000ha. Hay với trái xoài, hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL đều trồng loại cây này, dẫn tới diện tích tăng vọt, trong khi đầu ra truyền thống là thị trường Trung Quốc lại liên tục có thay đổi trong yêu cầu xuất khẩu, dẫn tới giá bị rớt mạnh như thời gian qua.
Để tìm đầu ra cho trái cây, các địa phương cho biết, thời gian tới ngoài xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Australia... sẽ liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối tại nội địa như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... Kinh nghiệm từ những đợt liên kết trước đây cho thấy, rất nhiều loại nông sản gồm rau củ, trái cây khi được các nhà phân phối chung tay “giải cứu” đã có đầu ra ổn định, giá tốt hơn, góp phần hỗ trợ bà con nông dân tránh thua lỗ. Sở Công thương các địa phương như Long An, Đồng Tháp, An Giang cho hay đã làm việc với các hệ thống siêu thị lớn của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, các chợ đầu mối tại TPHCM là Hóc Môn và Thủ Đức để đưa trái cây vào tiêu thụ.
Là nhà bán lẻ nhiều năm đồng hành cùng nông sản Việt, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, đặc thù của mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây là nguồn cung cho thị trường trong nước không chỉ phụ thuộc sức cầu thị trường mà còn tùy thuộc diễn biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thuận lợi hay không. Saigon Co.op đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp bao tiêu sản phẩm, tổ chức kho hàng để hoạt động thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ theo nhịp của thị trường, bảo đảm hàng đến tay người dùng luôn tươi ngon.
Được biết, gần đây nhất, Saigon Co.op đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng khá lớn dưa hấu Kon Tum khi mặt hàng này gặp khó khăn, không xuất khẩu được. Với những mặt hàng mùa vụ khác, Saigon Co.op cũng tích cực chuẩn bị, chủ động phối hợp cùng địa phương và đặt hàng đối tác là nông trại, HTX… để tránh bị động khi vụ mùa đến.
Không chỉ ưu ái trái cây, theo Saigon Co.op, với những sản phẩm nông sản thông thường không mang tính chất vụ mùa, nhà bán lẻ này cũng cấu trúc lại nguồn mua, bảo đảm chi phí thu mua thấp nhất, giảm giá thành để mang lại giá bán tốt hơn cho người tiêu dùng, mục đích cuối cùng là phục vụ người tiêu dùng một cách bình ổn nhất.