Tìm đường cho các nước Balkan gia nhập EU

Ngày 17-2, cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel với các nhà lãnh đạo 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan đang tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) diễn ra, dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh quan trọng diễn ra tại thủ đô Zagreb (Croatia) vào tháng 5 tới.
Lãnh đạo EU và các nhà lãnh đạo 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan tại cuộc họp. Ảnh: MENAFN
Lãnh đạo EU và các nhà lãnh đạo 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan tại cuộc họp. Ảnh: MENAFN

EU đang nỗ lực duy trì uy tín

Phát biểu trước cuộc gặp trên, ông Michel bày tỏ hy vọng đây sẽ là cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở. Trong khi đó, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết hai bên đã làm việc cật lực để hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Zagreb sẽ mở cánh cửa tới viễn cảnh EU cho các nước, vùng lãnh thổ ở Balkan.

EU đang nỗ lực duy trì uy tín tại khu vực Balkan sau khi không thể bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập liên minh với Albania và Bắc Macedonia vào tháng 10-2019 như đã cam kết, bất chấp những cải cách lớn từ phía các nước muốn trở thành thành viên EU.

EU cũng đã nỗ lực nêu ra triển vọng đáng tin cậy cho các nước Tây Balkan gia nhập vào khối này. Trong khi hầu hết các nước thành viên EU đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán, Pháp lại dẫn đầu một nhóm nhỏ phản đối động thái này.

Từ năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phủ quyết việc bắt đầu các cuộc đàm phán thành viên EU với Bắc Macedonia và Albania.

Ông Macron nhấn mạnh rằng quá trình mở rộng của EU cần phải xem xét lại và có sự cải tổ sâu sắc, vì cơ chế hiện tại thiếu hiệu quả.

Còn Đức thì vẫn đang nỗ lực đưa tiến trình gia nhập trở lại đúng hướng vì tiến trình này năm ngoái được đánh giá như là một phần của “Tiến trình Berlin” vốn cố gắng tập trung vào sự hợp tác thiết thực giữa 6 quốc gia Tây Balkan và EU, nhưng cho đến nay vẫn không có đột phá.

Siết chặt quy định

Theo kế hoạch, vào tháng 3 tới, Ủy ban châu Âu sẽ thông báo riêng cho từng quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Balkan mong muốn gia nhập EU, gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo.

Theo một quan chức EU, thông báo liên quan đến cuộc đối thoại chính trị cấp cao nhất với các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Balkan, để hiểu được mong muốn của các bên muốn gia nhập liên minh trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU tại Zagreb vào ngày 17-5.
Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia hiện được coi là “ứng cử viên chính thức” gia nhập EU. Bosnia và Herzegovina, vùng lãnh thổ Kosovo hiện đang là “ứng cử viên tiềm năng”.

Trong lịch sử của quá trình mở rộng EU, mỗi vòng thêm thành viên mới đều dẫn đến những điều kiện mới nghiêm ngặt hơn. Giới quan sát cho biết lần này, những đề xuất mới tập trung nhằm làm giảm bớt những lo ngại của Pháp bằng cách siết chặt các tiêu chí thành viên trong khi vẫn giữ được khát vọng của các nước Tây Balkan trong việc tiếp cận tư cách thành viên EU.

Theo đó, một số giới chức châu Âu từng nhiều lần đề cập đến những nước tham gia vào cơ chế hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Trung và Đông Âu (còn gọi là cơ chế 17+1), là những con ngựa thành Troy, phá hoại sự thống nhất chiến lược của châu Âu. Sáng kiến này đã bị Ủy ban châu Âu và các thành viên chủ chốt của EU như Pháp và Đức chỉ trích.

Dưới sự thay đổi địa chính trị của Ủy ban châu Âu dưới thời bà Ursula Von der Leyen, EU đã bắt đầu xây dựng các chính sách mới, đề xuất các phạm vi ảnh hưởng của riêng mình, “để ý” kỹ hơn những quốc gia ứng cử viên được cho là đang tiến gần đến Bắc Kinh. Theo đó, EU dường như hướng đến một lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục