Thái độ là quan trọng
Vài ngày nay, Lê Phương Oanh (tốt nghiệp chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn) vật lộn với vài chục bộ hồ sơ xin việc. Kể với bạn bè, Oanh nói, phải rải hồ sơ càng nhiều nơi thì cơ hội nhận được việc làm ngày càng cao. Bộ hồ sơ xin việc đầu tiên được Oanh gửi đến cho một công ty có trụ sở trên đường Tôn Thất Tùng (quận 1), cách nay hơn 1 tháng nhưng chưa có hồi âm. “Tôi có góp ý nhưng bạn ấy không nghe. Hồ sơ của Oanh viết tay cẩu thả, vụng về, nhiều từ bị sai chính tả. Nhà tuyển dụng thường đọc hồ sơ rất kỹ và cực kỳ khó chịu với các lỗi sai căn bản đó”, Nguyễn Thị Tường Vy, bạn học cùng khóa với Oanh, chia sẻ.
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Ngọc, giám đốc một công ty chuyên về dịch vụ tại quận 1, nhiều bạn trẻ hiện nay, còn ngại khó, ngại khổ. Khi làm việc, sự sáng tạo có, nhưng kiên trì thì không. Mới bắt đầu công việc thấy khó sẵn sàng buông bỏ chứ không kiên trì theo đến cùng. “Một số bạn trẻ không trân trọng công việc đang làm. Có thực trạng chê lương thấp, không muốn làm việc. Đó cũng là lý do khiến họ chạy việc, nhảy việc nhiều, sẵn sàng chọn việc nhẹ nhàng, không chịu động não, chọn kiểu ăn sẵn, thậm chí về dựa dẫm vào cha mẹ…”, bà Quỳnh Ngọc đánh giá.
Nhiều đơn vị tuyển dụng khẳng định, họ ngán nhất khi phỏng vấn các “cậu ấm, cô chiêu” ỷ lại, lười biếng. Nhắc lại câu chuyện cách nay vài ngày, chị Mai Thị Tố Lam cho biết, công ty chị đang tuyển 10 vị trí gồm trưởng phòng kinh doanh, nhân viên thu ngân, phụ trách kỹ thuật… Trong số các ứng viên ứng tuyển vị trí trưởng phòng kinh doanh, chị Lam ấn tượng với một bạn nam tốt nghiệp một trường đại học chuyên ngành kinh tế nổi tiếng của TP, đồng thời có 2 năm học cao học ở Singapore. Khi nghe thông báo mức lương thử việc 7 triệu đồng, 3 tháng sau sẽ xem xét tăng lương, thưởng, bạn trẻ này chỉ cười nhạt rồi so sánh rằng thua cả mức lương trả cho người giúp việc nên cậu không nhận việc, bảo về nhà ba mẹ nuôi cho khỏe. Sau đó, vị trí trưởng phòng này được giao cho một bạn trẻ khác tuy không có bằng cấp “sáng đẹp”, nhưng có thái độ cầu thị, chịu khó học hỏi.
Trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm
Không thể phủ nhận rằng, các bạn trẻ ngày càng giỏi giang, thích ứng rất nhanh với sự chuyển mình của công nghệ hiện đại. Bởi đó là lợi thế tuổi trẻ, nền tảng giáo dục từ gia đình… Thế nhưng, các nhà tuyển dụng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngoài những bạn trẻ thực sự trách nhiệm, yêu công việc, cũng còn rất nhiều người nộp hồ sơ cho có hoặc vì ba mẹ thúc giục đi làm. Chuyên gia thẩm mỹ Thủy Tiên Phạm, CEO của Her Academy, tâm sự rằng để đi đến thành công, các bạn trẻ phải thực sự yêu thích và đam mê công việc mình đang làm. Vì không có nghề nào là đơn giản, thuận lợi, dễ kiếm tiền… Chị nói: “Không tập thể nào có thể mãi nuôi dưỡng người lười biếng, nên bạn trẻ đừng chăm chăm vào việc kiếm tiền mà hãy học cách làm sao để mình đáng đồng tiền”.
“Bạn đừng quá lo lắng nếu bị một vài đơn vị tuyển dụng từ chối. Một mức lương không cao không có nghĩa là mình dở. Ta có thể tạm thời làm công việc này để lấy kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm cho tương lai. Vì một khi có kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm… chắc chắn bạn sẽ kiếm được tiền”, Nguyễn Văn Huấn, 27 tuổi, đầu bếp chuyên các món ăn Việt trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 tâm sự. “Muốn lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng, đôi khi không quá khó như mọi người tưởng tượng”, Nguyễn Thị Ngọc Anh, một bạn trẻ đã chia sẻ lại câu chuyện của mình. Cách nay khoảng 6 tháng, Ngọc Anh bất ngờ được tuyển làm giáo viên một trung tâm Anh ngữ tại quận Tân Phú, chỉ vì kết thúc buổi tuyển dụng cô chủ động tắt máy lạnh, công tắc điện khi nhà tuyển dụng quên chưa tắt, trong khi các bạn đi cùng nhanh chân bỏ về hết.
Bà Bùi Thị Quỳnh Ngọc đưa ra lời khuyên rằng, các bạn trẻ cần có mục tiêu để phấn đấu và nỗ lực vượt qua nếu gặp trở ngại. Các bạn trẻ cũng nên chủ động trang bị kiến thức cho mình, bên cạnh kỹ năng chuyên môn, chẳng hạn như ngoại ngữ, đọc thêm sách, học thêm các lớp ngoại khóa, rèn luyện thể dục thể thao… Một bạn trẻ có lối sống tích cực, chịu khó học hỏi, sẽ truyền năng lượng sống tích cực, lạc quan đến mọi người, được nhà tuyển dụng đánh giá cao và tìm cách giữ nguồn “tài sản” này của công ty.