Đoạn trường tìm mộ
Bà Phạm Thị Hoa (81 tuổi, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là vợ của liệt sĩ Phùng Văn Môn (sinh năm 1942) hiện đang sinh sống cùng người con trai duy nhất là Phùng Văn Sỹ (58 tuổi) tại xã Duyên Hải. Chiến tranh đã đi qua, đất nước hoàn thống nhất nhưng hàng chục năm qua, bà Hoa vẫn chưa giây phút nào yên lòng khi nghĩ về người chồng của mình đã hi sinh và nằm lại đâu đó trên mảnh đất của Tổ quốc.
54 năm trôi qua, cũng chừng đó thời gian bà Hoa phải gạt đi những giọt nước mắt, mạnh mẽ vượt qua nỗi đau để nuôi con khôn lớn, nhưng cũng không khỏi nỗi mong ngóng, hỏi thăm khắp nơi với hy vọng biết được phần mộ nơi chồng đã hy sinh, nhưng càng mong, càng hỏi càng héo hon, mỏi mòn.
Rồi con trai bà là ông Phùng Văn Sỹ lớn lên cũng đã tiếp tục hành trình tìm thông tin mộ của bố. “Bố hy sinh khi tôi còn nhỏ nên không thể nhớ nổi gương mặt, hay ấn tượng gì nhưng tôi luôn thôi thúc bản thân phải tìm bằng được mộ và đưa hài cốt về quê hương, nhất là khi nhìn thấy những lần mẹ ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh” ông Phùng Văn Sỹ chia sẻ.
Ông cũng đã nhiều lần lên mạng tìm kiếm, hay nghe phong phanh đâu đó thông tin về liệt sĩ thuộc Sư đoàn 320, hay liệt sĩ có cùng tên, ông Sỹ lại khăn gói vào tận nơi để tìm kiếm, xác nhận. Mỗi nơi đến là một niềm hi vọng, đi khắp các tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Trị nhưng hy vọng rồi lại thất vọng không biết bao nhiêu lần vì phần mộ không đúng thông tin.
Gặp bố ở khu mộ tập thể
Mới đây ông Sỹ được tham gia cùng đoàn ở địa phương vào Quảng Trị dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ông Sỹ cho biết: “Khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 dâng hương, nhìn thân nhân gia đình các liệt sĩ ai cũng có phần mộ để thắp hương lòng mình nghẹn lại, khi mộ bố không biết ở đâu đó trên mảnh đất này. Đi từng khu vực mộ, trên tay cầm nén nhang tôi thầm khẩn cầu, bố sống khôn chết thiêng cho con tìm được mộ bố. Và hình như lời khẩn cầu đã linh nghiệm”
Một lúc sau tình cờ đi đến khu vực mộ liệt sĩ tập thể và đọc được thông tin trên tấm bia mộ gồm 112 liệt sĩ trong đó có tên Phùng Văn Môn, sau khi xem đúng quê quán, ngày sinh và năm hy sinh như trên giấy báo tử thì càng thêm chắc chắn. “Dòng nước mắt rưng rưng vì mừng vui không nói nên lời sau bao nhiêu năm trời đằng đẵng mẹ và con cháu tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được” ông Sỹ chia sẻ.
“Nhìn thấy tên ông ở mộ tập thể khiến tôi đau xót biết bao, trong mộ tập thể có một phần hài cốt của ông cùng nằm chung với đồng đội nên không thể đưa hài cốt ông về quê nhà. Nhưng tôi biết, gia đình vẫn rất may mắn khi tìm được mộ để con cháu lui tới dâng hương, tôi sức khỏe đã yếu không biết còn đi được bao nhiêu lần. Ông được an táng ở một nghĩa trang khang trang, được chăm lo hương khói và được yên nghỉ cùng đồng đội của mình là một vinh dự lớn lao của gia đình, gia đình cũng yên tâm phần nào” bà Hoa cho biết.
Cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ cuộc hội ngộ Tìm thấy mộ liệt sĩ Phùng Văn Môn quá bất ngờ, gia đình ông Phùng Văn Sỹ phải gom góp vay mượn thêm người thân để có kinh phí đưa cả gia đình vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. Biết câu chuyện cũng như hoàn cảnh khó khăn của gia đình, người dân khắp mọi miền đất nước đã cùng chung tay giúp đỡ gia đình trên hành trình đưa liệt sĩ Phùng Văn Môn về với quê hương. Anh Phùng Văn Thắng (con trai ông Phùng Văn Sỹ) cho biết: “Gia đình đã nhận được số tiền hơn 47 triệu đồng, số tiền này ngoài chi trả chi phí đi lại 27 triệu đồng để đưa chân hương về quê, phần còn lại gia đình sẽ dành để lập bàn thờ mới cho ông. Gia đình cũng xin gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người đã gửi lời hỏi thăm, động viên và hỗ trợ gia đình”. |