Ngay sau khi được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ định làm Thủ tướng, ông Michel Barnier đã bắt tay vào việc tìm chọn các bộ trưởng cho nội các mới. Thách thức đầu tiên của tân Thủ tướng Pháp, xuất thân từ đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), là lập một “chính phủ đoàn kết vì lợi ích chung” của đất nước.
Ông Barnier đã tiếp các lãnh đạo chủ chốt của đảng LR nhằm tham khảo, xem xét khả năng đảng này tham gia vào chính phủ. Trong kỳ bầu cử Quốc hội hồi tháng 7 vừa qua, đảng LR chỉ giành được 47 ghế. Chính phủ của ông Barnier cũng phải có các bộ trưởng thuộc phe Tổng thống Macron, lực lượng lớn thứ hai tại Quốc hội. Ông Barnier cũng đã gặp người tiền nhiệm của mình, ông Gabriel Attal, trên cương vị Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Đồng hành vì nền Cộng hòa…
Mọi chú ý đang tập trung vào việc chọn thành phần nội các từ các đảng phái khác, trong hoàn cảnh liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) đứng đầu về số ghế tại Quốc hội. Sự lựa chọn từ đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI), trong liên minh NFP, đã bị loại trừ hoàn toàn. Trong khi đó, đảng cực hữu Tập hợp dân tộc (RN) đứng thứ ba về số nghị sĩ tại Quốc hội, nhưng đóng vai trò đặc biệt đối với sự tồn tại của chính phủ mới.
Ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng, bà Marine Le Pen, Chủ tịch nhóm RN tại Quốc hội, tuyên bố: “Ông Barnier dường như đáp ứng được phần nào tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi yêu cầu, đó là phải tôn trọng các lực lượng chính trị khác biệt và có khả năng nói chuyện được với đảng RN”. Nếu tính theo đảng, không phải là liên minh, RN có số nghị sĩ lớn nhất.
Tuy nhiên, cánh tả đã phản ứng gay gắt. Trong một video đăng trên YouTube, ông Jean-Luc Mélenchon, người sáng lập đảng LFI, đồng thời cũng là người khởi xướng liên minh NFP, chỉ trích việc lựa chọn ông Barnier là hành động “đánh cắp cuộc bầu cử của nhân dân Pháp” và kêu gọi người dân xuống đường để phản đối.
Lãnh đạo các lực lượng chính trị khác trong liên minh NFP cũng bày tỏ sự thất vọng. Trên mạng xã hội X, ông Olivier Faure, Thư ký thứ nhất đảng Xã hội, viết: “Sự phủ nhận dân chủ lên đến cực điểm khi thủ tướng thuộc về một đảng đứng ở vị trí thứ 4. Chúng ta đang bước vào một khủng hoảng chế độ”.