Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, dòng vốn FDI có tín hiệu khả quan. Nếu như trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư mới chỉ “dè dặt” đăng ký 16,7 tỷ USD, giảm tới 11,1% so với cùng kỳ năm 2020 thì tới nay, sau 10 tháng, vốn đăng ký thậm chí đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lực đẩy quan trọng giúp dòng vốn FDI trong 10 tháng qua vẫn tăng (cả đăng ký mới và bổ sung) là những dự án tỷ USD như: điện LNG Long An: 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; nhiệt điện Ô Môn II: 1,31 tỷ USD.
Cần nói thêm rằng, trong khi vốn đăng ký xu hướng tăng thì vốn giải ngân lại tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp và giảm mạnh hơn tháng trước (tháng 10 giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi tháng 9 chỉ giảm 3,5%). Đây là điều có thể lý giải được và không đáng lo ngại, bởi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt hơn, Chính phủ đã khẳng định phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nên có cơ sở để tin rằng, giải ngân vốn FDI sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh “người khôn của khó” như hiện nay, Việt Nam không thể chỉ trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Cho nên, Bộ KH-ĐT vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp nội dung chi tiết những dự án thuộc dự thảo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Với mỗi dự án, các cơ quan, địa phương sẽ cung cấp một bộ mẫu hồ sơ đầy đủ về mục tiêu dự án, tình trạng dự án, hình thức, quy mô đầu tư kèm theo các thông tin tổng quan về địa phương, bao gồm tiềm năng, lợi thế; tình hình phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông kết nối, nguồn lao động…
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, dự thảo Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài 2021-2025 hiện có 157 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến 71,46 tỷ USD. Nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng yêu cầu của Bộ KH-ĐT, đây là lần đầu tiên trong công tác xúc tiến đầu tư, Việt Nam có đầy đủ hồ sơ riêng cho các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài (trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trước đây chỉ có tên dự án). Đây sẽ là một danh mục “mềm”, được cập nhật và điều chỉnh, bổ sung hàng năm để phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, hoàn toàn khác so với các danh mục “cứng” trước đây.
Rõ ràng, đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, giúp ích rất nhiều cho các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát thị trường. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, liệu dòng tiền có thực sự sẽ chảy mạnh vào các dự án được đưa vào danh mục?
Trên thực tế, danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi vốn FDI giai đoạn 2014-2020, chỉ có 26% trong số này được hiện thực hóa. Một nguyên nhân sâu xa - theo các chuyên gia kỳ cựu trong ngành - là do danh mục vẫn được lựa chọn từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước, chứ chưa phải từ góc độ doanh nghiệp, trong khi quyền quyết định cuối cùng là của nhà đầu tư.
Kết quả thực hiện danh mục thu hút vốn FDI giai đoạn 2014-2020 đã mang đến bài học kinh nghiệm là Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi vốn FDI giai đoạn 2021-2025 cần có sự điều chỉnh, đó là sự đóng góp ý kiến của nhà đầu tư. Bởi, một dự án chỉ thực sự được triển khai khi vừa đáp ứng được chiến lược thu hút vốn FDI giai đoạn tới của quốc gia, vừa có khả năng đem lại lợi nhuận thỏa đáng cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian phù hợp với kỳ vọng của họ. Vì vậy, khi lựa chọn danh mục cần phải có sự tham gia của những nhà đầu tư kỳ cựu trong số các chuyên gia lựa chọn, thiết kế dự án, từ đó mới tạo ra điểm hài hòa lợi ích. Điều đó cũng hợp lý khi đồng tiền luôn “đi liền khúc ruột”.