Không chỉ giữ nguyên mức chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2021 (là 6%), tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về những mục tiêu phát triển 5 năm 2021-2025, trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%. Trong bối cảnh cả nước đang căng sức chống dịch, không phải không có lý khi có ý kiến phân vân về tính khả thi của những mục tiêu này. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Ông có bình luận gì về ý kiến cho rằng, các mục tiêu đề ra cho năm 2021 và 5 năm 2021-2025 là khó đạt được?
Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trong 5 năm 2021-2025 trên cơ sở cân đối các nguồn lực. Việc đề xuất các chỉ tiêu như dự thảo nghị quyết đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đã tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế. Cá nhân tôi cho rằng, bối cảnh hiện nay rất khó dự báo, cả ở trong nước và quốc tế. Chưa có tổ chức, cá nhân nào có thể dự đoán chắc chắn về diễn biến dịch bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là chưa đủ căn cứ để điều chỉnh mục tiêu. Quốc hội và Chính phủ đều xác định sẽ cố gắng ở mức cao nhất. Tuy thế, khi có một mục tiêu để làm thước đo cho sự nỗ lực thì vừa tạo ra một áp lực lành mạnh, vừa tạo ra động lực cho Chính phủ mới.
Trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, có thứ tự ưu tiên hay không và dù gì đi nữa việc chống dịch vẫn đặt lên trước?
Chống dịch và phát triển kinh tế đều quan trọng như nhau. Chúng ta chống dịch nhưng vẫn phải giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế, bởi vì nếu không có nguồn thu thì làm sao có nguồn lực để chống dịch, để hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Trong khi, dịch bệnh còn kéo dài, chưa biết đến bao giờ kết thúc. Điều quan trọng nhất bây giờ là tìm ra cách thức, công cụ, biện pháp để tìm được điểm cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Điều này là hết sức quan trọng để chúng ta đạt được mục tiêu kép cho năm nay hay không.
Phải nói thẳng là lúc này, lúc khác, chỗ này, chỗ khác đã có những sự lúng túng nhất định trong việc tìm ra giải pháp chống dịch có hiệu quả nhưng ít tác động đến kinh tế. Chúng ta vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Theo ông, những bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra?
Sự phối hợp giữa các địa phương. Các tỉnh thành phải thừa nhận lẫn nhau và tăng cường sự hợp tác. Các địa phương đều muốn bảo đảm an toàn sinh mệnh, sức khỏe cho người dân, nhưng dịch bệnh ảnh hưởng đến các địa phương với những mức độ khác nhau, nên các tỉnh thành áp dụng giải pháp khác nhau, đôi khi cực đoan, dẫn đến sự tắc nghẽn về hàng hóa lẫn con người. Tôi nghĩ, các địa phương cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, tất nhiên là dưới sự điều phối của Chính phủ, các bộ ngành. Việc điều phối này sẽ hướng đến 2 yêu cầu. Thứ nhất là kết nối giữa các địa phương với nhau thường xuyên hơn, trong đó thảo luận tìm ra xem đâu là sự khác biệt mấu chốt và loại bỏ các biện pháp không cần thiết. Ví dụ như Bộ GTVT vừa quyết định là xét nghiệm nhanh có giá trị trong 72 giờ, chứ không phải 24 giờ, hay 48 giờ; hay test PCR như các địa phương tự quy định khác nhau. Thứ hai là tính minh bạch trong các quy định. Đây là điều rất cần thiết để dễ thực hiện, với cả cơ quan quản lý lẫn người dân, doanh nghiệp. Ví dụ như các quy định chính thức về vận chuyển hàng hóa phải đủ rõ ràng và dễ tiếp cận để tài xế chở hàng biết rõ nếu họ đi từ A đến B sẽ qua bao nhiêu chốt. Các chốt đó yêu cầu những điều kiện gì. Giả sử họ chưa có đủ điều kiện để test, họ có được hỗ trợ không, ở đâu.
Cuối kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết, diễn giải ngắn gọn là cho phép Chính phủ, Thủ tướng áp dụng một số giải pháp cấp bách, biện pháp đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng sẽ được chủ động trong việc điều phối các hoạt động liên quan đến chống dịch, phát triển kinh tế, thưa ông?
Đó là một quyết sách kịp thời, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các tiêu chuẩn và giải pháp thống nhất để chính quyền địa phương thực hiện, cũng như có những quy định linh hoạt tùy vào diễn biến tình hình.
Ông dự báo như thế nào về tình hình kinh tế quý 3, cả năm 2021 và mục tiêu tăng trưởng 6% có đạt được không?
Sản xuất kinh doanh chắc chắn gặp nhiều khó khăn, không những về nguyên vật liệu mà còn vì thiếu lực lượng lao động nữa. Trong khi việc tổ chức sản xuất tại chỗ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đội chi phí lên rất nhiều. Có lẽ chỉ có xuất khẩu của một số mặt hàng nông lâm thủy sản là có triển vọng tăng trưởng ổn định.
Còn về mục tiêu tăng trưởng có đạt được hay không, còn phụ thuộc vào khả năng, hiệu quả của việc khống chế dịch bệnh trong thời gian tới. Tất nhiên, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải cố gắng phấn đấu đạt ở mức cao nhất.