Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã mang lại những cơ hội về phát triển nông nghiệp, nâng cao sinh kế cho người dân ĐBSCL; đồng thời nâng cao chất lượng nông sản phục vụ tốt nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hạn chế là đa phần nông sản xuất khẩu còn ở dạng sản phẩm thô hoặc sơ chế, chưa có sự tập trung đất đai để làm cánh đồng lớn, cũng như chưa có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp; khâu bảo quản và chế biến sâu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, cạnh tranh yếu kém… vì thế thường xuyên xảy ra tình trạng “giải cứu nông sản”.
Sở Công thương TPHCM chỉ ra, có khoảng 70% nông sản được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là các chợ dân sinh, không được kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm; việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã vạch ở các địa phương… cũng chưa được thực hiện rộng khắp.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, tỉnh xác định phát triển chuỗi giá trị nông sản gồm "3 cây, 3 con" (lúa, khoai lang, cây có múi – heo, bò, cá). Tuy nhiên, chuỗi giá trị này cũng chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp; thiếu vắng sự tham gia của khâu chế biến, bảo quản. Sản phẩm có thương hiệu, nhưng chưa phát triển đúng với lợi thế và tiềm năng sẵn có…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về cơ chế, chính sách cùng các giải pháp về tăng tính bền vững trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; đầu tư công nghệ hiện đại; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu…