Nguyễn Hồng Điệp có vẻ ngoài hiền khô, thuộc tuýp người rụt rè ít nói. Ấy thế mà sức lan tỏa của chương trình Cơm có thịt (CCT) ở Bỉ ngày càng rộng. Gian hàng CCT trong Ngày hội gia đình, Giải bóng đá Hội sinh viên Việt Nam tại Bỉ, tết cổ truyền của người Việt tại Bỉ ngày càng đa dạng. Từ các món tráng miệng như chè, bánh rán, cơm rượu, bánh gai cho đến đồ thủ công mỹ nghệ, sách, ảnh, tranh, áo cầu thủ... mang từ Việt Nam sang đấu giá. Tất tần tật hoạt động gây quỹ, lợi nhuận thu được đều gửi về giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các bản làng xa xôi tại Việt Nam.
Chương trình CCT bắt đầu được nhà báo Trần Đăng Tuấn lên ý tưởng từ chuyến thăm trường học nội trú Suối Giàng tháng 9-2011. Khi ấy, Mỹ Linh, phụ trách chương trình Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật trên VTV muốn đưa CCT sang châu Âu. Cũng năm 2011, Nguyễn Hồng Điệp về thăm bố mẹ, rồi lên Sa Pa chơi, vào một số bản làng, thấy còn có những em nhỏ không được đi học, bữa cơm không có gì để ăn. “Khi được nghe về chương trình CCT, thấy rõ ý nghĩa thiết thực nên tôi nhận lời phụ trách hoạt động này tại Bỉ”, Điệp nói.
Một cây làm chẳng nên non, Điệp biết ơn sự giúp đỡ của các sinh viên Việt Nam, bạn bè, người thân và gia đình nhỏ bé của mình đã đồng hành cùng CCT tại Bỉ. “Những hoạt động đầu tiên chủ yếu dựa vào Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ. Đặc biệt là công sức của Phạm Huy Hoàng, Chủ tịch hội lúc đó. Những sinh viên mới sang còn bỡ ngỡ vẫn xung phong đi bán hàng. Có người ở xa, tự chi trả tiền tàu xe đến nhà tôi vác lịch về phân phối giúp chương trình nhằm giảm bớt phí bưu điện. Những chị em dành cả ngày nghỉ để làm bánh trái, góp đồ ăn cho gian hàng. Bạn bè, đồng nghiệp người Việt lẫn Bỉ như Hendrik, Cuylits, Trâm, Ngọc xách cả vali toàn lịch cho CCT... ”, Nguyễn Hồng Điệp nhớ lại.
CCT ở Bỉ dần phát triển, gây dựng thêm các đầu mối khác để giới thiệu và gây quỹ thông qua bà con Việt kiều, người bản xứ, qua hoạt động của CLB Vĩnh Xuân Europe, CLB Vĩnh Xuân Paris, CLB Vĩnh Xuân Ý... Có Việt kiều ở Pháp đã giúp gây quỹ cho CCT Bỉ được 2.000 EUR nhờ bán hàng từ thiện tổ chức ở công ty. CLB Vĩnh Xuân Paris tổ chức riêng sự kiện vận động miễn phí, quyên góp quỹ cho CCT tại Bỉ; CLB Vĩnh Xuân Ý năm nào cũng gửi quà ủng hộ...
Điệp làm kế toán, định cư tại Bỉ đã 20 năm nay. Cuộc sống của cô kể ra sẽ an nhàn chứ không phải cứ dịp lễ tết lại bấn lên lo lắng ủ bánh rán thế nào cho nóng giòn lâu, đậu xanh chín nhuyễn chưa, cơm rượu liệu có kịp lên men, cho nồi nước cốt dừa vừa nấu lên xe thế nào khỏi sánh đổ... Ngày thường, Điệp đều đặn dành thời gian cho hoạt động duy trì Page của CCT tại Bỉ để cập nhật hình ảnh, thông tin. Từ 2018, CCT ở Bỉ cùng liên quân CCT ở Hungary, CCT ở Nagoya hợp sức cho dự án xây dựng hai điểm trường Hua Bum ở huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và Lốm Khiêu ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.
“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, dĩ nhiên vất vả rồi nhưng rất vui. Phiền lụy chắc là cũng có đấy. 8 năm qua, Điệp sẽ chẳng duy trì được CCT tại Bỉ nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của bố mẹ, chồng con và bạn bè, sinh viên, đồng nghiệp. Càng cảm động khi con em Việt kiều ở Bỉ cũng tích cực giúp đỡ gian hàng CCT.
“Tôi đã không do dự và cũng chưa bao giờ hối tiếc. Quỹ thời gian không nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng mỗi năm về nước một lần, tham gia một chuyến đi của Quỹ Trò nghèo vùng cao, thăm trường cũ, khảo sát trường mới cùng các CCT liên quân. Tôi thấy may mắn vì được tham gia chương trình này”, Nguyễn Hồng Điệp tâm sự.