Tìm cơ hội sau những chuyến lưu trú sáng tác

Nghệ thuật đương đại vốn cách biệt, thậm chí khá lập dị với thị trường, để có thể tìm nguồn vốn tái đầu tư cho sáng tạo tác phẩm đường dài, nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn những chuyến lưu trú sáng tác để làm bệ phóng, theo đuổi công việc và tiếp cận với thị trường.

Cơ hội cho nghệ sĩ trẻ

Cũng giống như các trại sáng tác, chuyến lưu trú sáng tác là nơi để các nghệ sĩ có dịp gác lại các nỗi lo cuộc sống để có thể toàn tâm dành cho việc sáng tạo. Tuy nhiên, nếu các trại sáng tác vốn là của các hội nghề nghiệp, buộc phải là hội viên mới được tham gia thì việc tổ chức lưu trú sáng tác lại xét tuyển dựa trên phân tích tác phẩm (trước đó) và tài năng nghệ sĩ nhiều hơn. Không cần phải là thành viên của đơn vị tổ chức, nghệ sĩ ứng tuyển hoàn toàn tự do, thậm chí là người thực hành sáng tạo tự học. Quyền lợi cho nghệ sĩ lưu trú khá nhiều, như bao gồm toàn bộ chi phí sinh hoạt, chi phí sáng tạo tác phẩm và tổ chức triển lãm.

Nhiều đơn vị tổ chức lưu trú sáng tác uy tín, là bệ phóng để nhiều nghệ sĩ trẻ khẳng định tên tuổi. Họa sĩ Xuân Lan (33 tuổi, ngụ TPHCM) chia sẻ: “Các đợt lưu trú sáng tác từ một số đơn vị nước ngoài tài trợ chi phí cho nghệ sĩ rất nhiều. Tác phẩm sáng tác sau đợt lưu trú nếu nằm trong tốp 5 hoặc tốp 10 do hội đồng nghệ thuật bình chọn, còn được hỗ trợ thêm kinh phí. Và họ có sẵn một kế hoạch truyền thông cho nghệ sĩ phù hợp với tiêu chuẩn sáng tạo nghệ thuật mà họ hướng đến, vì thế cơ hội trong mỗi chuyến lưu trú sáng tác là rất lớn”.

J6a.jpg
Khách tham quan triển lãm “Họa sĩ tài năng”

Nhóm Vietnam Artists Resource Group (Hỗ trợ nguồn lực cho nghệ sĩ Việt Nam) có hơn 11.900 thành viên tham gia, hiện là nơi uy tín để các nghệ sĩ, giám tuyển chia sẻ thông tin về các đợt tuyển nghệ sĩ lưu trú từ các đơn vị trong và ngoài nước. “Mỗi năm có rất nhiều đợt tuyển nghệ sĩ lưu trú, nhưng đa phần từ các đơn vị từ nước ngoài, vì vậy yếu tố ngoại ngữ là điều bắt buộc. Với một số đơn vị, họ cần tác phẩm phục vụ cho việc trang trí tại các khu du lịch, khách sạn, nên nghệ sĩ đôi khi sáng tạo tác phẩm theo đơn đặt hàng chứ không thể tự do theo ý đồ nghệ thuật của mình được. Chấp nhận được cái này mất cái kia cũng là cách để mình có nguồn vốn trong đường dài sáng tạo”, nghệ sĩ điêu khắc Hoài Bình (31 tuổi, ngụ TPHCM) chia sẻ.

Thị trường trong nước dần mở rộng

Trong xu hướng mới của nghệ thuật đương đại, nhiều đơn vị trong nước cũng bắt đầu hỗ trợ nghệ sĩ lưu trú như sự kiện Ồ Ạt (Oh-Art, chương trình nghệ thuật đa phương tiện và phi lợi nhuận) phối hợp cùng quỹ Lân Tinh Foundation (tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2021 bởi giám tuyển Ace Lê) tổ chức các đợt tuyển nghệ sĩ lưu trú sáng tác ngắn hạn tại TPHCM vào tháng 5-2024. Hay đơn vị nghệ thuật TomuraLee đến từ Nhật Bản đang tìm nghệ sĩ lưu trú để tổ chức triển lãm vào tháng 9 tới, đơn vị này cũng đang tổ chức triển lãm “Họa sĩ tài năng” để giới thiệu các gương mặt mới cho thị trường.

Dù chưa phải là đợt lưu trú sáng tác, nhưng việc hỗ trợ triển lãm như một cách đôi bên cùng có lợi, khi các gallery làm dày thêm nghệ sĩ và tác phẩm của mình, còn nghệ sĩ trẻ thì tiến một bước đến gần hơn với thị trường và nhà sưu tập.

Tham gia triển lãm “Họa sĩ tài năng”, họa sĩ Bùi Tiên chia sẻ: “Tôi được gallery mời và hỗ trợ kinh phí tổ chức triển lãm. Bình thường tôi chỉ tập trung sáng tác nên cũng không tham gia triển lãm nhiều, một phần vì muốn rèn luyện nội lực thật tốt, ít bị ảnh hưởng bên ngoài, để lần đưa tranh ra đầu tiên phải thể hiện thật chất lượng. Sau triển lãm vừa rồi, tôi được nhiều nhận xét tích cực của các bạn yêu nghệ thuật, lời mời từ các gallery chuyên nghiệp, một cơ hội triển lãm là cách để họa sĩ trẻ như tôi tiếp cận thị trường và công chúng hiệu quả”.

Vòng xoay của nghệ thuật đương đại không ép buộc tác phẩm phải theo xu hướng thị trường, đôi khi còn đề cao sự lập dị trong sáng tạo tác phẩm của người thực hành. Vì thế, mỗi đợt lưu trú sáng tác mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ trẻ nhưng cũng có không ít thách thức, khi tiêu chuẩn lựa chọn dựa trên việc phân tích tác phẩm thực hành. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải liên tục làm mới mình và phải bắt được mạch sáng tạo mà đơn vị tổ chức lưu trú muốn hướng đến.

Lý giải cho việc có nhiều cơ hội lưu trú cho nghệ sĩ Việt Nam, nhưng chủ yếu ở nước ngoài, một giám tuyển tại TPHCM phân tích: “Các quỹ hỗ trợ nghệ thuật tư nhân, có nguồn vốn từ nước ngoài vướng khá nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý trong nước, vì thế họ chọn cách thành lập ở nước ngoài và mời nghệ sĩ trong nước sang tham dự. Ví dụ như quỹ T. từng hoạt động trong nước gần 2 năm, sau đó vì vướng một số thủ tục họ đành rút khỏi thị trường, chọn Thái Lan làm điểm đến và trong năm họ tổ chức nhiều đợt triển lãm, lưu trú, trò chuyện và mời nghệ sĩ Việt Nam sang tham dự”.

Tin cùng chuyên mục