Triển lãm "Nơi tôi đến" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện nghiên cứu với nhóm 20 nữ lao động di cư, từ 16-34 tuổi đang làm nhiều ngành nghề, từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong…
Những người phụ nữ này đến từ nhiều miền quê khác nhau như: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… mang theo ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Triển lãm gồm 3 chủ đề, kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ "Nơi tôi đi", họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại "Nơi tôi đến" và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước "Nơi ấy có tôi".
Những hình ảnh trưng bày tại triển lãm giúp người xem hiểu được những nữ lao động di cư sinh sống và lập nghiệp ở đô thị, đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận và sử dụng không gian công cộng.
Triển lãm cũng truyền đi thông điệp về về tầm quan trọng của không gian công cộng đối với nữ lao động di cư, những hành động thiết thực mà các tổ chức, các nhóm cộng đồng đã và cần làm để nâng cao chất lượng sống cho nhóm phụ nữ này.