Bức xúc của người dân không phải không có lý khi tổng số tiền đóng cho Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) bình quân khoảng 27-30 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 10.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, người dân vẫn đang phải đi trên rất nhiều con đường bị xuống cấp trầm trọng, ùn tắc và tai nạn thường xuyên xảy ra.
Hơn thế nữa, họ còn phải trả tiền khi đi trên nhiều con đường độc đạo, vốn là đường nhà nước, nhưng nay đã dán nhãn BOT.
Theo lý giải của cơ quan quản lý Quỹ BTĐB, mặc dù số thu lớn như vậy nhưng quỹ mới chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu duy tu, sửa chữa đường sá.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc quản lý Quỹ BTĐB như thế nào mới là vấn đề cần bàn. Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), do nhiều thủ tục nhiêu khê nên Quỹ BTĐB giải ngân rất kém, có năm chỉ đạt 50%-60%, trong khi đường giao thông càng chậm sửa thì mức độ hỏng càng nặng, kinh phí sửa chữa càng cao. Điều trớ trêu là, nguồn thu chưa đủ, quản lý phức tạp như vậy nhưng phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường tại Việt Nam đang rất cao, khoảng 3.000 USD/km đường bộ, bằng giá duy tu, sửa chữa 1km đường châu Âu và cao gấp 3 lần Lào, cao gấp 1,5 lần Campuchia.
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương sau hơn 5 năm hoạt động. Việc này sẽ làm thay đổi như thế nào hoạt động của Quỹ BTĐB?
Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, thực hiện quy định của pháp luật về Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, từ năm 2017, toàn bộ nguồn thu của Quỹ BTĐB (thu qua đầu phương tiện) phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách cấp lại để thực hiện duy tu bảo đưỡng đường; 35% phí thu được cấp cho địa phương sẽ do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, cần có một cơ chế quản lỹ quỹ mới theo Luật Ngân sách nhà nước.
Để thay thế Hội đồng quản lý quỹ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao việc quản lý, sử dụng nguồn Quỹ BTĐB Trung ương cho bộ trưởng hoặc thứ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch quỹ. Theo Bộ GTVT, việc giao cho Bộ GTVT trực tiếp quản lý quỹ sẽ rút ngắn được nhiều thủ tục hành chính không cần thiết để đẩy nhanh tốc độ thực hiện các kế hoạch duy tu, sửa chữa đường bộ. Hơn thế nữa, việc giao trực tiếp trách nhiệm quản lý quỹ cho lãnh đạo Bộ GTVT cũng đồng nghĩa với việc truy trách nhiệm người đứng đầu dễ dàng hơn trong trường hợp quỹ hoạt động không hiệu quả, tránh tình trạng đồng trách nhiệm khi đội ngũ kiểm tra, giám sát đều theo cơ chế kiêm nhiệm.
Như vậy, có thể thấy việc xóa bỏ Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương không làm thay đổi việc quỹ sẽ tiếp tục thu theo đầu phương tiện. Chỉ hy vọng là, với cơ chế quản lý mới, Quỹ BTĐB sẽ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đặc biệt, với sự quyết liệt của người đứng đầu quỹ, giá thành duy tu bảo dưỡng đường sẽ hạ xuống, thời gian thực hiện sửa chữa đường nhanh hơn, người dân sẽ được hưởng lợi xứng đáng hơn từ những đồng tiền họ đã nộp vào.