
Ngày 14-4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức buổi làm việc cho ý kiến dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày, cơ chế đặc thù thành phố Hải Phòng gồm 17 chính sách cụ thể thuộc 6 nhóm chính sách lớn: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách (2 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khu thương mại tự do (TMTD) thế hệ mới tại Hải Phòng.
Đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về quy trình, thủ tục, điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên trong khu TMTD, đặc biệt là các điều kiện về kiểm soát nội bộ và chấp hành tốt pháp luật về kế toán kiểm toán; đề nghị rà soát để quy định chính sách này tương tự như khu TMTD Đà Nẵng theo nghị quyết của Quốc hội. Việc hưởng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, dự thảo quy định: “Đối với các dự án đầu tư trong khu TMTD Hải Phòng được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê, trừ các dự án xây dựng nhà ở thương mại, đất thương mại dịch vụ”. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận định, dự thảo nghị quyết quy định như vậy là khá rộng, không có tính thu hút cao đối với các nhà đầu tư vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và đề nghị chỉ áp dụng với các dự án đầu tư trong khu TMTD Hải Phòng thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, đa số ý kiến đồng tình, song có một số ý kiến đề nghị, mức thuế suất ưu đãi chỉ nên áp dụng trong thời gian đầu xây dựng và phát triển khu TMTD với thời hạn tối đa là 10 năm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đánh giá thêm tác động từ việc sáp nhập Hải Phòng với địa phương khác; rà soát đưa ra danh mục chi tiết những chính sách không thể quy định ngay tại dự thảo nghị quyết, giao Chính phủ quy định rõ hơn… Đồng thời, cần rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng với những địa phương khác để xây dựng một số cơ chế, chính sách tạo thế mạnh riêng cho TP Hải Phòng; đánh giá rủi ro để hạn chế tối thiểu tác động không mong muốn.