1. Nói là sân khấu nhưng không gian được tận dụng từ khoảng sân trước của chung cư, một tấm băng rôn, vài chùm bóng bay được trang trí đơn giản. Nhưng, sự xuất hiện của chú hề đến từ Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam khiến hàng trăm em nhỏ và cả các bậc phụ huynh không khỏi háo hức. Chú hề có phần “khớp” khi được vây kín và những ngón nghề ảo thuật đôi khi không thể qua mắt các bạn nhỏ. Ấy vậy nhưng, nhiều bé với ánh mắt ngây thơ vẫn chăm chú dõi theo những tiết mục hô biến thành hoa, chim bồ câu…
Nhiều bé lần đầu tiên có cơ hội chạm tay trực tiếp vào chú trăn vàng, đặt nó trên vai mà không hề sợ hãi, cũng có bé chỉ nhìn thấy thôi đã khóc thét, vội chạy ra xa. Không chỉ được xem biểu diễn các tiết mục ảo thuật, các bé còn háo hức xếp hàng đổi những phần quà nhỏ gồm sữa, snack, bóng bay…
Sau khi có chủ trương sáp nhập các tổ dân phố, đây là hoạt động ra mắt của Hội Khuyến học khu phố kết hợp với Đoàn thanh niên. Kinh phí hoạt động ngoài phần hỗ trợ của UBND phường, còn nhận được sự quyên góp từ các cư dân với mong muốn con em có thêm sân chơi ý nghĩa trong hè. Chương trình dự kiến kéo dài trong hơn 2 tháng hè với các hoạt động đa dạng: tập luyện 16 thế võ của Bác Hồ; đổi rác, pin lấy cây; vui chơi có thưởng; trao học bổng; thi các trò chơi dân gian; thi vẽ tranh, cờ vua, cờ tướng; thi tài kiến thức; các môn thể thao…
Nhìn các em nhỏ háo hức tham gia các hoạt động mới thấy trẻ luôn cần thật nhiều không gian để vui, học, chơi và thi thố. Và, những hoạt động ấy nếu chỉ diễn ra trong quãng thời gian ngắn ngủi vài tiếng mỗi dịp cuối tuần chắc chắn là không đủ.
2. Mỗi dịp hè đến, trong khi ba mẹ luôn đau đầu, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn vì không biết cho con chơi gì, gửi con ở đâu, thì ngược lại hầu hết các em đều háo hức vì được xả hơi sau một năm học vất vả. Cảnh dễ nhận thấy nhất ở các khu dân cư mùa hè là vào mỗi buổi chiều, các em thường tụ tập khá đông ở những khu vực trống.
Bất cứ không gian nào từ sảnh chung cư, khoảng nhỏ công viên, thậm chí vỉa hè chật chội cũng có thể là nơi để vui chơi, tiếng nói cười không ngớt. Trẻ lớn có thể tự chơi một mình, trong khi trẻ nhỏ hơn được ông bà, ba mẹ, hay người giúp việc theo kèm. Nhưng, đông vui hơn cả là những công viên lớn của TPHCM như: Gia Định, Lê Văn Tám, Gò Vấp, Hoàng Văn Thụ…, mỗi buổi chiều cứ nhìn vào bãi giữ xe sẽ thấy từng hàng dài được xếp ngay ngắn.
Chị Ngọc An (ngụ chung cư Miếu nổi, quận Bình Thạnh) giữ thói quen cuối tuần thường dẫn con ra Công viên Lê Văn Tám (quận 1) để vui chơi. “Ngoài không gian rộng, thoáng, trong công viên còn có khu vực hố cát để các bé thoải mái vui đùa. Đây cũng là dịp hiếm hoi để các bé có cơ hội được lấm bẩn, thậm chí mỗi khi ra về, người còn vương đầy đất cát. Nhìn con chơi, tôi như được ôn lại tuổi thơ mình”.
Chị Hồng Phúc (ngụ đường số 8, quận Gò Vấp) cũng thường chọn cho con đi chơi Công viên Gò Vấp vào cuối tuần, đặc biệt nơi đây có khu vực bờ sông rộng, mát và rợp bóng cây xanh. Chị còn sắm cho con một bộ đồ chơi cát để bé thỏa sức sáng tạo. Thế nhưng, theo chị, cũng luôn phải thay đổi không gian và hình thức chơi để bé không chán. Có khi chị cho con đi xem bộ phim hoạt hình phù hợp, đi nhà sách, đến các điểm vui chơi… Có thời gian hơn, cả nhà cùng nhau đi biển ngắn ngày để đổi gió.
Thực tế, nhu cầu vui chơi trong dịp hè của trẻ luôn rất cao. Nhiều gia đình gặp áp lực vì không biết cho trẻ chơi gì, với ai. Các điểm vui chơi nổi tiếng ở TPHCM như Thảo cầm viên, Đầm Sen, Suối Tiên…, hay các công viên công cộng luôn trong tình trạng phải xếp hàng, chen chúc. Trẻ thường cả thèm chóng chán nên các hoạt động cũng phải rất đa dạng, thay đổi liên tục.
Và điều quan trọng nhất là các hoạt động vui chơi vừa phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đồng thời giúp trẻ tăng cường tính kết nối với bạn bè, gia đình, phát triển tính cách cá nhân cũng như kỹ năng cần thiết. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình đi du lịch, hay tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đắt đỏ. Do đó, việc tạo dựng những không gian vui hè cho trẻ, trong đó có các trò chơi dân gian ở các khu vực lân cận nơi sinh sống là vô cùng cần thiết.