Chiều 10-10 tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị quốc tế về mặt hàng lúa gạo nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế hình ảnh, thương hiệu hạt gạo Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị lúa gạo quốc tế có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nhập khẩu gạo đến từ hơn 30 nước trên thế giới, nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp, tư vấn để phát triển thị trường gạo Việt có hiệu quả hơn. Tại hội nghị, rất nhiều loại gạo Việt Nam được trưng bày để tiếp cận các đối tác có nhu cầu nhập khẩu.
Theo Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng liên tục cả sản lượng và giá trị. Hiện Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Thái Lan và Ấn Độ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á (Trung Quốc chiếm đến 40%), Singapore, Malaysia, một số nước khu vực châu Phi... Năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,4 triệu tấn, giá trị bình quân đạt hơn 439 USD/tấn. Trong 9 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khoảng 4,9 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị hơn 475 USD/tấn, thu về 2,46 tỷ USD.
Việt Nam có tiềm năng và nổi tiếng về lúa gạo nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, tình hình thế giới hiện nay có một số thách thức với ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều nước có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo, hạn chế nhập khẩu. Một số nước áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất gạo để nâng cao năng suất. Vì thế, xuất khẩu gạo đang phải cạnh tranh gay gắt.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh An Giang, thị trường Trung Quốc vốn nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam thì nay cũng đưa ra nhiều điều kiện khắt khe về kích cỡ hạt gạo. Nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị trả về. Một số nước ở Trung Đông lại thích loại gạo hạt dài, trong khi Việt Nam không có giống gạo đó nên không đáp ứng được.
Để vượt qua sóng gió thị trường đang có xu hướng thay đổi cục diện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục giành thị phần cho hạt gạo Việt Nam xuất khẩu. Ngày 15-8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo) có hiệu lực từ ngày 1-10 theo hướng tạo dựng môi trường thông thoáng hơn, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo. Nghị định mới này xóa bỏ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo về xuất khẩu gạo đã từng duy trì lâu nay, mở hướng cho các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội xuất khẩu gạo, miễn là tìm được đối tác và đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại.
Cùng với đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, hiện nay đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo... sẽ là chìa khóa để thúc đẩy liên kết giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị gạo… Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh hạt gạo Việt Nam tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng.