Tìm cách thu gom nguồn nước mưa tự nhiên cho đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Ngày 25-4, Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khảo sát, tham vấn, thống nhất giải pháp giải quyết thiếu nước cho đảo Lý Sơn.

Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, tham vấn giải pháp giải quyết thiếu nước cho đảo Lý Sơn. Clip: NGUYỄN TRANG

Thực tế hiện nay, huyện đảo Lý Sơn chỉ có 1 hồ chứa nước Thới Lới, 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 2.149 giếng.

Cụ thể, hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng, khai thác vận hành từ năm 2012, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, hồ chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu nước trên địa bàn.

Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát thực tế tại các khu vực trên đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đoàn công tác Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi khảo sát thực tế tại các khu vực trên đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Hai công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là hệ thống cấp nước Trung tâm huyện và Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé chỉ cấp nước cho khoảng 700 hộ dân.

Một công trình trữ nước mưa của huyện Lý Sơn đang cấp nước tưới cho người dân nhưng đã cạn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một công trình trữ nước mưa của huyện Lý Sơn đang cấp nước tưới cho người dân nhưng đã cạn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Với thực tế này, huyện đảo chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nước của người dân. Về lâu dài, mực nước ngầm suy giảm kéo theo xâm nhập mặn vào nước ngầm, cần phải có giải pháp khai thác nước mặt.

Giếng nước trên địa bàn huyện Lý Sơn được sử dụng đến nay đã cạn, nhiễm mặn vào mùa nắng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Giếng nước trên địa bàn huyện Lý Sơn được sử dụng đến nay đã cạn, nhiễm mặn vào mùa nắng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, qua tính toán sơ bộ cân bằng nước mặt của huyện Lý Sơn, với hơn 10km2 diện tích lưu vực thì trữ lượng nước mặt từ nước mưa tự nhiên vào khoảng 9 triệu m3, sau khi trừ đi lượng bốc hơi, thấm... còn khoảng 3 triệu m3.

"Vấn đề căn cơ làm sao xây dựng công trình nhằm trữ lượng nước mặt tự nhiên này cho huyện đảo Lý Sơn mà không phải khai thác từ mạch nước ngầm”, ông Hùng nói.

Các đơn vị khảo sát thực tế tại một số địa điểm trên đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các đơn vị khảo sát thực tế tại một số địa điểm trên đảo Lý Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại cuộc họp làm việc với UBND huyện Lý Sơn, phía đơn vị tư vấn cũng nêu ra phương án phát triển nguồn nước huyện đảo. Trong đó, xây dựng công trình gom và trữ nước theo 2 phương án dựa vào quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất - Lý Sơn và nguồn nước theo quy hoạch Lý Sơn, quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030. Các phương án dựa trên hiện trạng khai thác nước mặt vốn có tại 3 hồ trữ nước khoảng 200.000 m3 với diện tích lưu vực thu nước khoảng 0,98km2 và tính toán trên tổng lưu vực có thể thu gom nước mặt là 4,98km2. Từ đó, phục vụ cấp nước lâu dài, ổn định cho huyện Lý Sơn.

Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ đất liền ra biển. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ đất liền ra biển. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Vào mùa mưa, lượng nước mưa trên đảo rất lớn và đều chảy tràn ra biển mà không giữ lại được. Do vậy, đề xuất phương án xây dựng bể ngầm xung quanh đảo để lấy tối đa lượng nước mưa chảy tràn và không làm mất hiện trạng mạch nước ngầm của đảo. Các phương án bám sát quy hoạch chung huyện đảo Lý Sơn theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp, chú trọng phục vụ sinh hoạt cuộc sống người dân và phát triển dịch vụ, du lịch”.

Người dân sử dụng tưới tiết kiệm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân sử dụng tưới tiết kiệm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Võ Quốc Hùng đề nghị đơn vị tư vấn, các ban, ngành trong quá trình khảo sát công trình thu gom và trữ nước thì chú ý chia làm 2 nhóm bể trữ nước: một là nguồn nước sạch có thể dưới chân núi thì xử lý cấp nước cho sinh hoạt; hai là nguồn nước ở các bể trữ ngầm dùng phục vụ tưới nông nghiệp, cảnh quan cây xanh, dịch vụ, xây dựng,…

Ngoài ra, cần có phương án ưu tiên và giải pháp cấp nước gia tăng trong cao điểm mùa du lịch. Sau khi khảo sát thực tế chuẩn xác vị trí thực hiện, dự toán chi tiết, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi mới có đề xuất trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục