Tìm cách khai thác và tiếp cận hiệu quả thị trường Halal

Nhu cầu về sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ đối với quốc gia có người Hồi giáo cư trú, mà còn ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU... do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Halal đang trở thành một trong những điều kiện để doanh nghiệp Đà Nẵng vươn xa hơn.

Công ty TNHH Mỹ Phương Food giới thiệu sản phẩm tới cộng đồng người Hồi giáo. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Công ty TNHH Mỹ Phương Food giới thiệu sản phẩm tới cộng đồng người Hồi giáo. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngày 22-5, tại TP Đà Nẵng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Văn phòng chứng nhận Halal Việt Nam đã phối hợp Sở Công thương TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Triển vọng thị trường Halal và giải pháp khai thác, tiếp cận thị trường Halal".

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, thị trường các nước Hồi giáo là thị trường lớn và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Trong đó, ngành công nghiệp Halal nói chung và thực phẩm Halal nói riêng có quy mô lớn, tiềm năng phát triển cao tại khắp các châu lục từ châu Á, châu Phi cho tới châu Âu, châu Mỹ. Với thế mạnh về công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm nên Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường Halal.

Đối với Đà Nẵng, ngoài ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động xuất khẩu cũng là thế mạnh của địa phương với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP.... Còn Đà Nẵng được đánh giá có tiềm năng trong xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo và có thể thu hút được du khách từ thị trường này đến với Đà Nẵng.

IMG_4664.JPG
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đã có 1 năm làm việc với các đơn vị ở thị trường Trung Đông sau khi có chứng nhận Halal, bà Mai Thị Ý Nhi, đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, thị trường Halal đầy tiềm năng, nhưng để chinh phục được thì còn nhiều thách thức. Đơn cử như doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức, đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo. Về nguyên liệu, sản phẩm 100% thuần thực vật nên dễ dàng đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu Halal, tức không được sử dụng nguyên liệu Haram như heo, sản phẩm có cồn hay dẫn xuất về chúng…. Tuy vậy, các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền... Vì vậy, điều khó khăn đối với doanh nghiệp khi muốn thâm nhập vào thị trường này là cần phải có đội quản lý Halal để đảm bảo vận hành sản xuất sản phẩm Halal từ khâu vận chuyển, nhập nguyên liệu, đến sản xuất, xuất kho. Tất cả nhân viên phải được tập huấn, trang bị về kiến thức Halal.

images1717715_8_11__chia_s__1.jpg
Thị trường du lịch Halal của người Hồi giáo là một thị trường đầy tiềm năng và sôi động

“Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người ở những nền kinh tế lớn ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường”, bà Nhi chia sẻ.

Trong khi đó, theo bà Trịnh Thị Kim Vân, Công ty TNHH Phước Trọng Đại (96 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu), cần có hội, nhóm với sự tham gia nhiều doanh nghiệp đang và đã tiếp cận thị trường Halal để có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm sản phẩm Halal tại Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Halal không dễ dàng. Tiêu chuẩn Halal không chỉ dừng ở khâu sản xuất mà còn đi vào cả các khâu phân phối, dịch vụ và tiêu dùng. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư như vậy tốn chi phí lớn, nếu phát triển manh mún rời rạc thì khó lâu dài. Việc có những hội nhóm cùng chung mục tiêu giúp đơn vị có thể kết hợp, từ đó có thể tiết kiệm chi phí.

IMG_4671.JPG
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương) nêu thực trạng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương) nhìn nhận, Việt Nam tham gia thị trường Halal mới ở giai đoạn đầu, vẫn chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực Halal, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam còn thấp. Ngoài ra, Halal là khái niệm còn ít được biết đến, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Hơn nữa, xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực.

Bộ Công Thương thời gian qua đã tiếp tục tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế phát triển ngành hàng Halal tại Việt Nam; đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam làm việc, tìm hiểu với các cơ quan, hệ thống phân phối của các nước... Ngoài ra, để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy việc phân phối các sản phẩm của Việt Nam có chứng nhận Halal để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà xuất khẩu, vừa mở rộng việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục