Tại Hậu Giang, huyện Phụng Hiệp là một trong những nơi có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL, với gần 3.800ha. Thế nhưng, đại diện CASUCO cho rằng, trên địa bàn Phụng Hiệp chỉ có khoảng 1.500ha mía và hiện công ty mới ký hợp đồng đầu tư nguyên liệu cho vụ năm 2022-2023 trên 800ha.
“Nông dân trồng mía thua lỗ liên tiếp, riêng vụ rồi các nhà máy chỉ mua giá 1.180 đồng/kg; trong khi nông dân bán mía chục (để ép nước mía) giá trên 1.600 đồng/kg. Vì vậy, nông dân thích bán mía chục hơn”, nông dân Nguyễn Văn Bền, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp nói. Theo ông Bền, trước đây gia đình có 5ha trồng mía, giờ đã chuyển 2,5ha sang cây trồng khác, chỉ giữ lại phân nửa bởi đã gắn bó với cây mía lâu nay.
Vụ mía vừa qua, có doanh nghiệp ở Tây Ninh xuống mua mía nguyên liệu của nông dân Phụng Hiệp với giá 1.320-1.350 đồng/kg, cao hơn giá mua của CASUCO. Và vụ mía năm nay, giá đường bán buôn trên thị trường tăng mạnh nhưng giá mua của CASUCO cũng không tăng đáng kể, khiến nông dân trồng mía không vui!
Thống kê cho thấy, năng suất mía bình quân của cả nước chỉ đạt khoảng 65 tấn/ha, trong khi năng suất ở Phụng Hiệp từ 90-100 tấn/ha. “Tại sao năng suất mía cao, nhưng nông dân lại kêu đắng?”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đặt câu hỏi. Có thể nói, ngành mía đường trong những năm qua đối diện nhiều khó khăn khi khả năng cạnh tranh yếu, lại thường xuyên bị đường lậu cạnh tranh. Tại ĐBSCL, từ chỗ có 10 nhà máy đường, nay chỉ còn 3 nhà máy hoạt động, từ đó vùng trồng mía hẹp dần và sản lượng giảm nhanh. Trước tình hình này, các vùng trồng mía đang có chính sách để giữ diện tích mía cho nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, những lấn cấn trong hoạt động của CASUCO làm cho người trồng mía lo lắng.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho rằng, Công ty CASUCO cần phải có chiến lược phát triển dài hơi đối với vùng mía nguyên liệu, có chính sách đối với nông dân trồng mía. Trong đó, cần hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi nông dân thấy được lợi ích, thì họ mới yên tâm duy trì vùng mía nguyên liệu.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với CASUCO bố trí một phần kinh phí hàng năm cho nghiên cứu hỗ trợ giống mía mới, áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch mía, đầu tư hoàn thiện thủy lợi, đường giao thông cho vùng trồng mía; lấy người trồng mía làm trung tâm và phải bảo vệ quyền lợi cho họ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng phải tham gia giám sát các cam kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích, phát triển bền vững vùng nguyên liệu.