Thu nhập giảm ảnh hưởng đến sức mua
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 8-2023, cả nước có tới 30,1% hộ dân đang phải chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Cụ thể, giá xăng dầu, giá gạo tăng theo giá thế giới, giá nhà thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đời sống của các hộ gia đình. Trong khi thu nhập của một bộ phận hộ gia đình giảm khiến sức mua bán lẻ giảm trong những tháng đầu năm. Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường toàn cầu Kantar, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, riêng trong quý 2-2023, CPI giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị hàng tiêu dùng (FMCG) đạt 8% ở thành thị và 10% ở nông thôn, thấp hơn so với cùng kỳ.
Trong chia sẻ gần đây, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà còn tiết kiệm trong mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này đã làm suy giảm sức mua trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất đang tăng, nhưng doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ cũng rất khó.
Về thị trường bán lẻ trong 4 tháng cuối năm, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định, tình hình dự báo vẫn tiếp tục khó khăn do nguy cơ doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa, tác động đến sức mua của thị trường. “Saigon Co.op đã nhận được nhiều yêu cầu tăng giá bán của một số nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là chi phí xăng dầu, lương công nhân, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất… đồng loạt tăng mạnh. Hiện Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ khó duy trì”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng
Trong bối cảnh thị trường đang có những khó khăn như hiện nay, việc tăng trưởng bán lẻ ở mức 2 con số được cho là rất khó. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức 4%-5%, và để làm được điều này, các doanh nghiệp đang “căng mình” thực hiện nhiều giải pháp. Điển hình như Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, nhà bán lẻ này đang tập trung vào việc mở rộng sự hiện diện trên đa kênh và đa nền tảng để khai thác tiềm năng của các kênh trực tuyến. Đây là giải pháp nhằm đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng về trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch. Còn các nhà cung cấp cho hệ thống cũng bán được hàng hóa, giải phóng hàng tồn, gia tăng sản xuất.
Saigon Co.op hy vọng thị trường bán lẻ khởi sắc, mức tăng trưởng đáng kể với 2 chương trình khuyến mãi trọng điểm “Trân trọng cảm ơn khách hàng” và “Tết Nguyên đán 2024” mà Saigon Co.op đẩy mạnh triển khai trong các tháng tới.
Để kích cầu sức mua, Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp chia sẻ lợi nhuận bằng cách thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, góp phần mang đến những sản phẩm xuất xứ Việt, chất lượng cao, giá hợp lý, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn diễn biến phức tạp. Ở khía cạnh khác, từ đầu năm 2023 đến nay, Saigon Co.op tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, cải tổ mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá; nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hóa trong hoạt động quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hóa thương mại điện tử; đầu tư cho khách hàng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logistics. Những giải pháp này bước đầu đã và đang tạo sự thuận lợi, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực hệ thống bán lẻ, làm cơ sở để trợ giá tốt hơn cho người tiêu dùng.