Tìm cách đưa sách cổ đến gần công chúng

Tối 18-4, tại sân khấu chính Công trường Công xã Paris (quận 1, TPHCM) diễn ra chương trình giao với chủ đề “Sách cổ - kế thừa tinh hoa, phát huy giá trị”. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: ông Lê Hoàng, nhà báo Dương Thành Truyền, TS Quách Thu Nguyệt, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang và ông Nguyễn Xuân Hùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
IMG_3673.jpg
Mong muốn những đầu sách cổ nhiều giá trị được trở lại là nguyện vọng của các diễn giả tham gia chương trình

Cả ông Lê Hoàng và TS Quách Thu Nguyệt đều bày tỏ sự vui mừng và lạc quan dành cho giới trẻ hiện nay, khi nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm đọc những cuốn sách về lịch sử. Theo chia sẻ của TS Quách Thu Nguyệt, thông qua Thư viện số Nguyễn An Ninh, đặc biệt là thông qua Lễ hội Đường sách Tết vừa qua, có thể thấy được nhu cầu của các bạn trẻ trong tìm kiếm những cuốn sách về lịch sử, nhất là những nhân vật lịch sử.

“Bên cạnh các đầu sách giúp hoàn thiện bản thân mình, còn có một nhu cầu của bạn đọc trẻ hôm nay là tìm kiếm những tài liệu cổ, hay sách viết về lịch sử Việt Nam do người Pháp để lại. Điều này cho thấy các bạn trẻ hướng đến tương lai bằng công nghệ số nhưng cũng không quên những giá trị di sản của cha ông để lại. Dưới góc nhìn của văn hóa đọc, chúng tôi thấy đó là những tín hiệu tích cực”, TS Quách Thu Nguyệt cho biết.

Nhà báo Dương Thành Truyền dẫn chứng trường hợp gần đây, Omega Plus đã ra mắt ấn phẩm Lý lịch sự vụ của một ông quan Triều Nguyễn tên là Nguyễn Đức Xuyên. Thông qua ấn phẩm này, độc giả thấy ngày xưa quan lại Triều Nguyễn làm việc ra sao.

Từ đó, theo nhà báo Dương Thành Truyền, cần phải biến sách xưa trở thành tài sản sinh lợi của hôm nay. Ông nói thêm: “Muốn làm được vậy thì việc dịch thuật rất quan trọng. Không chỉ có kho sử, văn chương, tư liệu Hán Nôm do cha ông để lại, mà chúng ta còn có nguồn tài liệu rất quý do người Pháp để lại. Nhà nước cần có chính sách để tổ chức dịch thuật, cùng với đó, cần khuyến khích tìm ra những nguồn quỹ để tổ chức dịch, giống như Lý lịch sự vụ”.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, cho biết, hiện nay trung tâm đang lưu giữ gần như nguyên vẹn bộ Mộc bản của bộ Đại Việt sử ký toàn thư và đã số hóa gần như toàn bộ bản in khối Mộc bản Triều Nguyễn. Hầu như tất cả độc giả tới nghiên cứu đều có thể tiếp cận và đọc toàn bộ.

“Tuy nhiên, việc số hóa và đưa toàn bộ lên không gian mạng Mộc bản cũng như các tài liệu lưu trữ khác, thì chưa một lưu trữ quốc gia nào trên thế giới có thể mở để đăng tải toàn bộ. Nhưng đối với các bộ sách của Mộc bản Triều Nguyễn, bất cứ yêu cầu nào của độc giả khi đến nghiên cứu, chúng tôi đều đáp ứng”, ông Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục