Tìm các giải pháp xây dựng chính quyền số

Ngày 25-10, tại TP Đà Nẵng, Hội thảo quốc gia về Chính phủ số 2024 đã diễn ra với hơn 300 đại biểu. Đây là nơi trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, thành phố số; đồng thời xem Đà Nẵng như là hình mẫu để từ đó trao đổi các giải pháp xây dựng chính quyền số tại các địa phương, đơn vị khác.

Hội thảo đã đem đến nhiều góc nhìn mới về công nghệ số. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Hội thảo đã đem đến nhiều góc nhìn mới về công nghệ số. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tăng hiệu quả quản lý nhà nước, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng triển khai 3 mô hình, giải pháp để nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình: đa dạng hóa kênh và hình thức hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến, toàn trình; kế thừa dữ liệu số để thay thành phần hồ sơ giấy phải nộp; gắn mã QR trên kết quả thủ tục hành chính.

z5965087756499_9260c10f092e4c6525c811a41a12d887.jpg
Hội thảo tập trung vào những vấn đề xoay quanh triển khai chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh với 20 diễn giả là chuyên gia, nhà quản lý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hiện 100% cơ quan và các thủ tục hành chính toàn thành phố đã áp dụng sử dụng Kho kết quả thủ tục hành chính số của thành phố. Kho không chỉ để người dân sử dụng trong thực hiện thủ tục hành chính khác mà còn được chia sẻ để các cơ quan, đặc biệt là công chức tại bộ phận một cửa sử dụng để cung cấp dịch vụ nhanh, chính xác.

Bên cạnh đó, địa phương xây dựng giải pháp Cổng đăng nhập xác thực tập trung SSO Gateway để chia sẻ tài khoản và dữ liệu điện tử cho doanh nghiệp phục vụ cung cấp và sử dụng mọi dịch vụ toàn xã hội.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, theo kiểm tra, đo lường và công bố của Bộ TT-TT vào tháng 8-2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của TP Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình các tỉnh, thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình các tỉnh, thành là 17%).

Theo ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Sovico, đơn vị nhìn nhận những hạn chế như cấu trúc tập đoàn phức tạp với 40.000 nhân sự, 50 quốc tịch; dữ liệu phân mảng, chưa đồng bộ.... Từ những khó khăn, đơn vị sử dụng công nghệ số để chuyển đổi tất cả dữ liệu như tài chính, tài sản, khách hàng, nhân lực… trở thành dữ liệu chung toàn bộ tập đoàn. Tất cả hoạt động, quy trình, chỉ đạo điều hành thay đổi theo kết quả dữ liệu. Điều cuối cùng là những văn hóa của đơn vị cũng phải thích ứng trên môi trường số như họp trực tuyến, ký điện tử…

“Muốn chuyển đổi số, việc đầu tiên phải có nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nội bộ. Khác với nhiều đơn vị phải tốn khoảng chi phí lớn khi tuyển dụng người lập trình chính, chúng tôi phối hợp với công ty công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ chính của đội ngũ công nghệ thông tin thuộc tập đoàn là xây dựng bài toán chuyển đổi số của chính đơn vị. Song chia nhỏ những bài toán đó thành những bài toán nhỏ hơn và hợp tác đơn vị công nghệ thông tin chuyên nghiệp để giải quyết. Cuối cùng, đội ngũ này sẽ tập hợp lời giải, sắp xếp trở thành cơ sở dữ liệu của tập đoàn”, ông Lê Đăng Dũng chia sẻ.

z5965087771725_fc416001f2a86d619ab116726a5f1aab.jpg
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, thời gian qua, người dân, doanh nghiệp đã làm thủ tục công trực tuyến lên tới 59%. Tuy nhiên, qua khảo sát thì chất lượng một số dịch vụ công trực tuyến chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu cho người dân.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, trên cơ sở liên kết khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia. Cùng với đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải đạt được công khai, minh bạch, theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện dựa trên dữ liệu.

“Quan điểm chính trong thời gian đến cần hướng tới mục tiêu cắt giảm tối đa chi phí các thủ tục hành chính, chấm dứt hiện tượng xin cho, tạo sự minh bạch; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến qua đó rà soát, cung cấp đổi mới dịch vụ công trực tuyến bảo đảm đáp ứng yêu cầu mức độ thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường, người dùng; số hóa hồ sơ kết quả xử lý thủ tục hành chính. Đây là nguồn để đảm bảo xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cho ngành; thực hiện sự chỉ đạo điều hành, đánh giá chất lượng dựa trên dữ liệu thực, tránh tình trạng báo cáo không đúng xảy ra như hiện nay”, ông Nguyễn Duy Hoàng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục