Từ món ăn “cây nhà lá vườn”
Hơn 1 năm nay, qua nền tảng TikTok, một cô gái trẻ vùng thôn quê ở Đắk Lắk trở nên nổi tiếng với những clip sinh động, thu hút triệu lượt xem, theo dõi. Với những clip mộc mạc, chân thật, chủ đề xoay quanh làng quê thanh bình, đời sống bình dị của những nông dân chân chất vùng núi, hay những clip chế biến các món ăn từ sản phẩm “cây nhà lá vườn”, khiến người xem vô cùng thích thú. Cô gái trẻ đó là Nguyễn Thị Thu Hà (28 tuổi, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), chủ nhân kênh TikTok Hana Ban Mê với lượng theo dõi hơn 1,2 triệu lượt và hơn 29 triệu lượt thích.
Chia sẻ về duyên trở thành một TikToker nổi tiếng, Thu Hà cho biết, ban đầu cô thực hiện các clip chủ yếu để xả căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhưng không ngờ chính những clip đó lại thu hút rất nhiều người xem. “Mình sinh ra và lớn trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ đã gắn bó với cây cỏ ở ruộng vườn, nương rẫy. Chính làng quê thanh bình đã nuôi dưỡng mình thành người nên trong thâm tâm, mình luôn đau đáu ước mơ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển”, Thu Hà tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM, Thu Hà được nhận vào làm việc ở một công ty nội thất lớn với mức lương hậu hĩnh. Dù vậy, cô gái trẻ vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm một việc gì đó có ích cho quê nhà, dù là nhỏ bé. Đúng lúc đại dịch Covid-19 ập đến vào năm 2019, việc kinh doanh của công ty nơi Thu Hà làm việc gặp khó khăn, cô quyết định về quê, theo nghề nông như cha mẹ. Hàng ngày lên nương, rẫy, Thu Hà quay lại các clip để bày tỏ niềm vui, nỗi buồn. Tuy nhiên, hầu hết clip của cô xoay quanh chủ đề về làng quê thanh bình, chăm sóc từng hạt cà phê, hạt lúa, hay giới thiệu trái ngon đặc sản trong vườn như bơ, sầu riêng, mãng cầu... Cách quay đơn giản, cách thể hiện chân thật, mộc mạc đã lôi cuốn người xem, có những clip có lượt truy cập lên đến hàng triệu.
“Mình là con nhà nông, mà nhà nông vốn chân chất, có gì nói đó, không cầu kỳ, hoa mỹ nên người xem cảm nhận được sự chân thành, gần gũi. Các clip của mình chủ ý muốn giới thiệu về nét đẹp quê hương, vùng miền và những trái ngon, vật lạ đặc trưng mà ở các nơi khác không có. Bên cạnh đó, mình cũng muốn truyền tải thông điệp cho giới trẻ rằng, dù cho ở hoàn cảnh nào, điều kiện nào, phải luôn luôn vui vẻ, phải lấy công việc làm cảm hứng sáng tạo để phát huy tốt nhất năng lượng tích cực của bản thân. Mình lấy sự chân thành, mộc mạc, chất phác của người nông dân làm nguồn cảm hứng nên khi thực hiện các clip được mọi người đón nhận nồng nhiệt”, Thu Hà thổ lộ.
Đến quảng bá nông sản
Có gần 10 năm trong lĩnh vực kinh doanh ở TPHCM với môi trường làm việc năng động, nhiệt huyết, nên sau khi về quê hương, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hà vẫn duy trì phong cách làm việc khoa học. Hàng ngày, cô theo bố mẹ lên nương rẫy. Trong thời gian đó, cô dành khoảng 2 giờ đồng hồ để quay các clip. Tối đến, Thu Hà dành thời gian trau chuốt, chỉnh sửa các video và trả lời bình luận qua Fanpage Facebook. Để hấp dẫn, lôi cuốn người theo dõi, Thu Hà dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng, hoàn thiện kênh TikTok của mình. Mỗi video đăng tải, cô đều đặt cả tâm huyết và luôn đón nhận sự góp ý của người xem.
Nói về việc bỏ phố về quê để làm nông, Thu Hà cho biết, thời điểm về lại quê nhà, xuất phát điểm của cô là con số 0, nhưng nhờ quãng thời gian làm việc tại TPHCM đã rèn giũa cho cô cách làm việc nhiệt huyết, năng động, sáng tạo. Vì vậy, dù về quê làm nông, cô vẫn có hướng đi riêng và đặt ra những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu.
“Bản thân mình còn trẻ nên quan niệm phải làm việc bằng cả nhiệt huyết, luôn đặt cái tâm trong công việc, lấy công việc làm niềm vui, cảm hứng để sáng tạo. Do đó, dù ở môi trường làm việc như thế nào thì cũng tận dụng thế mạnh của mình để có kết quả, mang lại giá trị tốt nhất. Mình đang phát triển các sản phẩm của quê nhà và đang tận dụng thế mạnh riêng, tạo ra giá trị đặc biệt cho nông sản địa phương”, Thu Hà cho biết. Hiện nay, thông qua kênh TikTok Hana Ban Mê, Thu Hà đã kết nối, mở rộng thị trường cho các nông sản địa phương với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, cô cũng đưa các đặc sản Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, mắc ca... lên sàn thương mại điện tử qua các kênh Shopee, Lazada, thu hút một lượng người mua tương đối lớn.
Chính từ những hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh nông sản địa phương của Thu Hà, Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã mời cô làm “Đại sứ truyền thông mạng xã hội”. Theo Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đại sứ truyền thông mạng xã hội là điểm mới trong công tác truyền thông của Lễ hội Cà phê 2023. Với sự hỗ trợ và kết nối từ các TikToker, hay các tài khoản mạng xã hội nổi tiếng khác ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, lễ hội, văn hóa, bản sắc Tây Nguyên sẽ lan tỏa đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.