TikTok và những cuộc "xâm lấn": Dễ lập, dễ lách, sống dai

“Chỉ mới 16 ngày lập kênh nhưng đã thu hút hơn 1.000 lượt theo dõi”, chị Kim Ngọc (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) khoe. Từng có ý định thử chơi YouTube, nhưng chị Ngọc đã phải “đầu hàng” vì thấy để có một video đăng lên YouTube quá khó khăn, nhưng TikTok thì khác…
Người dùng rất dễ dàng tạo lập và sử dụng kênh TikTok. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người dùng rất dễ dàng tạo lập và sử dụng kênh TikTok. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bài bản, chuyên nghiệp

Việc lập và quản lý kênh TikTok vô cùng dễ dàng, chỉ với số điện thoại hoặc email. Ứng dụng này còn cho phép liên kết với tài khoản Facebook, Google… Hiện nay, app (ứng dụng) TikTok đã có mặt ở các phiên bản hệ điều hành iOS và Android nên bất cứ ai có điện thoại thông minh, chỉ cần vài bước đăng ký đã có thể sử dụng: xem, lướt và đăng tải video của mình. Chưa hết, nó còn đánh trúng tâm lý “ăn sẵn” cho người dùng khi cung cấp kho nhạc và hiệu ứng hấp dẫn, các mẫu video đẹp.

Theo chị Dương Bảo Thủy, một TikToker có thâm niên, TikTok may mắn chọn “đúng người, đúng thời điểm”, “bùng phát” cùng lúc dịch Covid-19, tất cả mọi người đều ở nhà. “Chưa kể, TikTok chỉ cần lướt qua video là đã tính view (lượt xem) nên con số sẽ liên tục nhảy. Điều này khác hoàn toàn với YouTube, bạn phải mất công bấm vào video. Không ít video còn yêu cầu phải xem trong khoảng thời gian nhất định mới được tính là 1 lượt view”, chị Thủy cho biết thêm. Ở góc độ người xem, xem video không chèn quảng cáo là những lợi thế của TikTok so với YouTube, Facebook Watch...

TikTok dễ sử dụng tới mức, nếu tài khoản này bị khóa vĩnh viễn thì chỉ cần một địa chỉ Gmail mới/một số điện thoại mới, người dùng dễ dàng tạo tài khoản khác để tung hoành… Đơn cử như trường hợp của Nờ Ô Nô - Tiktoker từng gây phẫn nộ với clip miệt thị người nghèo lớn tuổi, sau 5 lần 7 lượt bị xóa kênh, giờ vẫn vô tư hoạt động, thay vì bị cấm cửa hay “phong sát” tuyệt đối.

Hiện nay, ngoài các tài khoản TikTok cá nhân theo kiểu thích gì đăng nấy, có rất nhiều kênh được xây dựng, lên chiến lược bài bản với sự hỗ trợ của đội nhóm chuyên nghiệp. Mỗi sự kiện, họ sẽ đi nhóm 3-4 người, phân chia nhau hoạt động ở các khu vực khác nhau để có thể bao quát toàn bộ, không bỏ sót bất kỳ khoảnh khắc nào.

Theo tiết lộ của chị B.B.P (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM), người đang có mục tiêu xây dựng trở thành “ai đồ tóp tóp” (idol TikTok - cách mà người trẻ gọi những tài khoản sở hữu nhiều lượt theo dõi và xem đó như thần tượng), mỗi video đăng tải trên kênh của chị là kết quả của cả ê kíp. Mỗi video sẽ có người viết kịch bản, sau đó chị là người tự quay hoặc được bố trí quay rồi có đội ngũ dàn dựng, biên tập lại sao cho thu hút nhất.

Đó là lý do hiện nay, rất nhiều agency (chi nhánh) có dịch vụ phát triển các kênh TikTok với đầy đủ các bước từ tư vấn, lập kế hoạch, thực hiện, phân tích, nghiệm thu. Nhiều agency cũng làm công việc đó là quản lý các TikToker và sẵn sàng phân phối ra thị trường với các yêu cầu phù hợp cho từng đối tượng khách hàng.

Để tăng lượt theo dõi trên kênh TikTok, người dùng có thể lưu lại các video từ nền tảng này và đăng tải lên trang cá nhân ở các trang mạng xã hội khác. Mỗi video này đều hiển thị tên tài khoản người dùng đó trên nền tảng TikTok, và nếu thích, người xem chỉ cần nhập đúng tên tài khoản hiển thị là tìm ra ngay kênh TikTok để theo dõi. Theo nhiều chuyên gia truyền thông, việc đăng tải lại video từ TikTok sang các nền tảng khác là cách tiếp thị hiệu quả nhất. Vì nếu viết nội dung, buộc người ta phải suy nghĩ ra những bài viết khác nhau hay hình ảnh không được trùng nhau, nhưng với video vừa đủ sinh động để thu hút tương tác mà không cần phải suy nghĩ nội dung mới.

“Sức mạnh” của video nhảm

Theo nghiên cứu đăng trên Towards Data Science (https://towardsdatascience.com) vào cuối năm 2022, TikTok phân bổ hàng triệu video mỗi ngày bằng thuật toán AI và không phân biệt tài khoản người nổi tiếng/người dùng bình thường/tài khoản mới tạo lập, hay đã tham gia lâu. Khi một video được nền tảng này tiếp nhận, thuật toán sẽ phân bổ đến 200-300 người dùng đang hoạt động để đo mức độ tương tác. Nếu trên 10% thích video, thuật toán tiếp tục đưa nó đến 10.000-100.000 người khác.

Trong số hàng triệu nội dung nền tảng này tiếp nhận mỗi ngày, chúng tôi thử tạo một tài khoản và đăng tải một video không quá 30 giây được lồng một đoạn nhạc cũng không thuộc “top” đang thịnh hành. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày, tài khoản không có hình ảnh đại diện nổi bật của chúng tôi nhận được 14 lượt theo dõi và video dù nội dung nhạt nhẽo nhưng vẫn có đến 339 lượt xem. Một thuật toán đủ sức “chiều lòng” người dùng, với niềm tin bất kỳ ai cũng có thể nổi tiếng một cách bất ngờ mà chẳng cần tài năng, văn vở… Thậm chí một video uốn éo trước màn hình, ngồi vu vơ trong quán cà phê cũng đưa người ta trở thành “ai đồ tóp tóp” .

Chị Lê Trần Thảo Nguyên (chuyên viên truyền thông thương hiệu, Công ty M.Q.M.) phân tích: “Không chỉ riêng nền tảng TikTok mà các mạng xã hội khác cũng tương tự, khi một tài khoản có lượt theo dõi từ khoảng 10.000 lượt trở lên, nếu bị khóa tài khoản này, người dùng tạo tài khoản khác thì lượng người theo dõi vẫn đáng kể. Giống như là một thói quen, khi đã có lượng fan nhất định thì không thấy tài khoản đó hoạt động, họ sẽ tìm kiếm tài khoản mới của người đó để theo dõi tiếp. Thuật toán của TikTok phân bổ nội dung theo số đông, hễ video nào đang đông người xem thì nó bắt đầu phân bổ đến người dùng nhiều hơn, nên bất kể lượt xem vì thích thú, hay tò mò đều tính lượt xem như nhau, nội dung xấu nhưng nhiều người vào xem, thậm chí để lại bình luận chỉ trích thì vẫn tính là nội dung “hot” hàng đầu”.

Theo Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính, các TikToker cũng như các YouTuber, Facebooker có hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội mà có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên trong năm sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Tùy theo lĩnh vực mà tỷ lệ này có sự thay đổi, nhưng thấp nhất là 0,5%, cao nhất là 5%. Chẳng hạn, bán hàng online được xác định là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa, với tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1% và thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. Như vậy, nếu doanh thu từ kinh doanh online trên 100 triệu đồng thì người kinh doanh phải nộp 1,5% doanh thu cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, thực tế việc thu thuế này gặp không ít khó khăn. Mới đây, 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp cho cơ quan thuế hơn 53.000 tài khoản kinh doanh online. Rất nhiều người đã bị cơ quan thuế mời lên làm việc và phạt vì không khai báo thuế, có người bị truy thu tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, giao dịch bán hàng online nhưng thanh toán qua hình thức COD (phát hàng thu tiền hộ) gây khó cho cơ quan thuế vì không nắm được giá trị giao dịch qua hình thức này. Tháng 5-2023, trong đoàn kiểm tra liên ngành toàn diện với TikTok sẽ có đại diện Tổng cục Thuế cùng tham gia.

Tin cùng chuyên mục